Thương mại điện tử: Cuối cùng cũng bắt đầu đơm hoa kết trái?
Từ giữa thập niên 90, TMĐT đã được coi là bước phát triển quan trọng tiếp theo. Nhưng định nghĩa TMĐT là gì và nó sẽ làm lợi cho công ty như thế nào vẫn còn rất mơ hồ. Trong giai đoạn 1, các công ty thực hành "phần giới thiệu" bằng cách xây dựng sơ bộ 1 Web site riêng. Giai đoạn 2, họ tiến hành các giao dịch trực tuyến và trao đổi các đơn hàng. Trong giai đoạn 3, các công ty bắt đầu không những thắt chặt hạ tầng công nghệ thông tin của mình vào Internet, mà còn chuyển ngày càng nhiều các chức năng kinh doanh chủ yếu của mình vào một mô hình web-site trung tâm. CIO tại các công ty lớn nhỏ, các thị trường và môi trường kinh doanh khác nhau đều triển khai các ứng dụng dựa trên nền web để làm mọi thứ, từ tăng doanh thu hay cắt giảm chi phí cho tới tăng cường tính năng phục vụ cho khách hàng hay làm tăng năng suất làm việc của nhân công.
Tất nhiên, không có gì là dễ dàng: đại đa số trong hơn 5.000 CIO được điều tra cho biết TMĐT đang đặt công tác an ninh thông tin trước một thử thách lớn hơn, tăng tính phức tạp của hệ thống thông tin nói chung và buộc các công ty phải cộng tác với các phòng ban và các đơn vị kinh doanh xa hơn đã từng có như thông thường. Nhưng triển vọng của TMĐT nằm ở cách thực hiện nó. Như nhiều CIO cho biết, công ty của họ đã nâng cao doanh số bán hàng và giảm chi phí nhờ vào các sáng kiến trong ứng dụng TMĐT, mang lại vị thế cạnh tranh tốt hơn và qua đó gia tăng giá trị cổ phiếu.
TMĐT giúp nâng cao lợi thế cạnh tranh như thế nào?
Khi Michael Porter viết lý thuyết "Lợi thế cạnh tranh" vào năm 1985, thương mại chưa xuất hiện trên Internet. Còn ngày nay, nếu bạn tìm kiếm bằng Yahoo! cho cụm từ "competitive advantage and the Internet" (Lợi thế cạnh tranh và Internet), bạn sẽ nhận được một danh sách dài với hơn 1,2 triệu kết quả!
Hỏi chuyện những nhà chiến lược công nghệ thông tin cao cấp rằng họ định nghĩa (hay, đúng hơn là định nghĩa lại) như thế nào về lợi thế cạnh tranh có được từ những sáng kiến ứng dụng TMĐT, bạn luôn nhận được 4 từ ngắn gọn: Tốc độ, chi phí , khách hàng và xử lý đơn hàng.
Tốc độ: "Trong TMĐT, có 2 loại tiền tệ: tiền và thời gian", Henry Chesbrough, Giám đốc điều hành Trung tâm quản lý và hoạch định chiến lược Công nghệ thông tin thuộc đại học California, Berkeley cho biết, "Thời gian là đòn bẩy quan trọng nhất dành cho những ai muốn đến trước và duy trì được vị trí đứng đầu đó trong mọi cuộc đua, bởi kiếm tiền nhanh nhất cho phép người ta kiếm được nhiều tiền hơn trong cùng một khoảng thời gian".
Một CIO là lãnh đạo trong dự án TMĐT nổi tiếng cách đây ít năm của hãng Cisco Systems là John Bruno, lúc đó đứng đầu tổ chức cơ sở hạ tầng Công nghệ thông tin Cisco còn hiện là Trưởng nhóm phát triển kinh doanh và là CIO tại công ty Symbol Technologies cho biết: "Ở Cisco, thời gian đúng là tiền bạc. Có thể lãng phí mọi thứ, trừ thời gian. Phải có hệ thống TMĐT mạnh mẽ dù phải chi phí rất nhiều, bởi nó cho phép chúng tôi đi nhanh hơn đối thủ của mình".
"Là những CIO, chúng ta cần phải hỗ trợ các đơn vị kinh doanh trong việc giúp đỡ khách hàng và đối tác trong việc đến và lấy đi nhanh chóng những gì họ muốn" Mark Sklenar, Phó chủ tịch kiêm CIO của tập đoàn Underwriters Laboratories khẳng định. "Tốc độ, tốc độ và tốc độ - đó là tất cả!".
Chi phí: Khi đã đứng đầu trong việc cạnh tranh rồi, việc nhất thiết phải làm để dành tiếp lợi thế cạnh tranh là giảm thiểu chi phí khi mà khách hàng ngày một phức tạp và đòi hỏi giá cả mềm hơn. Ngày nay, ưu tiên hàng đầu của CIO là giúp cắt giảm chi phí bằng việc thực hiện công việc kinh doanh thông qua TMĐT. Điều này mang lại danh tiếng cho CIO và trải thảm cho chính họ tiến đến những dự án mang lại doanh thu và thị phần.
"Trong ngành công nghiệp của chúng ta, điều quan trọng vẫn là bán nhiều loại hàng có lãi suất thấp", Guy Abramo, Phó chủ tịch điều hành kiêm Phụ trách chiến lược và thông tin của Hãng phân phối các sản phẩm máy tính Ingram Micro Inc. cho biết, "Cần phải tìm những biện pháp với chi phí hiệu quả nhất để phục vụ các yêu cầu nhỏ của khách hàng, và phải làm điều đó tốt hơn đối thủ của mình".
Khách hàng: Các công ty ở mọi lĩnh vực đều cần hướng về khách hàng hơn nữa và hầu hết các sáng kiến ứng dụng TMĐT của các công ty đều đặt điều đó lên hàng đầu trong những mục tiêu của mình. Nhiều chuyên gia công nghệ thông tin thực hiện mục tiêu đó bằng cách cho khách hàng tham gia nhiều hơn vào quá trình thực hiện công việc. "Khách hàng tự phục vụ là mong muốn hàng đầu trong chiến lược TMĐT ở các công ty", Gary Marich, Trưởng phòng phát triển ứng dụng của hãng sản xuất sơn Sherwin Williams Co. khẳng định. "Khách hàng muốn vào cửa hàng, tới quầy, đặt hàng và đợi người mang hàng ra cho họ. Thât tuyệt vời khi biết rằng luôn có người sẵn sàng phía sau quầy để phục vụ mỗi khi cần, nhưng nếu có một cách là dùng công nghệ để giúp khách hàng vào và ra khỏi cửa hàng nhanh hơn với họ, tại sao lại không ứng dụng?".
Ông Abramo, công ty Ingram, cho rằng, một nhân tố quan trọng của việc giữ thế thượng phong so với các đối thủ trong giai đoạn thị trường cạnh tranh khốc liệt như trong lĩnh vực mà ông đang tham gia là phải hiểu phần nào trong chuỗi giá trị của Ingram có thể được tách ra để cho khách hàng hưởng.
"Khi tạo ra các dịch vụ dựa trên nền web cho khách hàng, giống như quản lý đơn hàng hay công tác hậu cần, bạn hoàn toàn chuyển từ quan hệ mua/bán sang mối quan hệ dựa trên dịch vụ", Abramo nói.
"Lợi thế cạnh tranh có thể thực sự được xác định khi có sự can thiệp của khách hàng" ông Sklenar, công ty U.L phát biểu.
Xử lý đơn hàng: Quá trình thực hiện công việc của công ty xác định cơ cấu TMĐT đang được triển khai, hay các hệ thống TMĐT có thể xác định lại các công ty tiến hành xử lý công việc kinh doanh của mình như thế nào?
"Rất nhiều CIO, đặc biệt là những người xuất thân từ giới kinh doanh bằng TMĐT, đã xây dựng những cơ cấu năng động hơn để tận dụng TMĐT và kết hợp nó gần gũi hơn vào quá trình kinh doanh chính của cả công ty", Ellen Kitzis, Phó chủ tịch phụ trách nhóm của Gartner Inc nói. "Những CIO thông minh là những người hiểu cách làm thế nào để gắn liền các sáng kiến TMĐT của mình với quá trình kinh doanh của cả công ty để tiến lên".
"Với TMĐT, người ta đang cố gắng bắt đầu thay đổi cả quá trình", Bruno chỉ rõ. "Liệu chúng ta có thể thay đổi các quá trình kinh doanh nhằm đáp ứng tốt hơn với năng lực của hệ thống? Nếu vậy có nghĩa là bạn đã có thể lấy được nhiều hơn từ cơ sở hạ tầng hiện có của mình mà không cần phát minh lại những công cụ đã có sẵn".
Nếu như tất cả những gì bạn làm chỉ là đưa các dịch vụ dựa trên nền web lên quá trình kinh doanh cũ, thì chắc chắn sẽ không đem lại lợi ích gì".
Hồng Quý