Mua bán hàng qua mạng: Đừng để "đợi chờ trong cơn mưa"
Bạn chỉ cần biết sử dụng máy tính, khai thác Internet là có thể MHQM. Sau một vài thao tác kích chuột chọn hàng cho vào giỏ hàng (ảo), bạn sẽ có ngay một đơn hàng cùng tổng số tiền phải trả. Nếu khó khăn, bạn có thể xem mục "hướng dẫn mua hàng", rất thuận tiện vì tất cả đều là tiếng Việt.
Bạn có thể đặt mua từ "thượng vàng hạ cám", trị giá vài ngàn đến hàng tỷ đồng qua mạng không chút khó khăn. Tuy nhiên việc thanh toán tiền và giao nhận hàng hiện tại lại hoàn toàn trái ngược. Các website bán hàng trong nước chỉ chấp nhận các loại thẻ thanh toán quốc tế như Visa, Master, American Express; còn lại phải chuyển khoản hay chuyển tiền qua bưu diện, các loại thẻ nội địa như ATM (connect 24) không có trong phương thức thanh toán!
Còn việc giao hàng chỉ thuận lợi cho người mua hàng thuộc các quận nội thành của hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM. Còn lại, phí giao hàng có khi còn lớn hơn giá trị hàng!
Vài dẫn chứng
Cuối tháng 8/2004, là một người "thật"- có địa chỉ và số điện thoại chính xác tại tỉnh Bình Dương - chúng tôi vào các cửa hàng ảo mua hàng. Tại cửa hàng ảo Tiền Phong (www.tienphong-vdc.com.vn), sau khi đặt mua các đĩa nhạc, chúng tôi nhận được điện thoại từ Hà Nội xác nhận chính thức về đơn đặt hàng. Nhưng điều kiện giao nhận hàng lại kèm theo chi phí giao hàng qua bưu điện là 38.000 đ (trong khi giá đĩa nhạc chỉ...37.000 đ). Rút kinh nghiệm, chúng tôi đặt đơn hàng thứ hai mua sách có địa chỉ giao hàng tại Q.I, TP.HCM. Thế nhưng tiền đã chuyển mà hàng thì không đến theo đúng ngày, giờ giao hàng đã đặt trong đơn. Gần một tuần sau đó, chúng tôi nhận được thông báo là loại sách đặt mua không có sẳn tại TP.HCM, nghĩa là phải trả thêm tiền chuyển hàng từ Hà Nội vào!
Cùng thời gian trên vào nhà sách Minh Khai (www.minhkhai.com.vn) đặt mua sách và công ty Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn (www.sjcvn.com) đặt mua kim cương, chúng tôi đều nhận được thông báo "Chúng tôi đã nhận được đơn đặt hàng của quý khách, chúng tôi sẽ gởi thư (mail) thông báo chi phí giao hàng trong thời gian sớm nhất..." Thế nhưng đến khi bài viết này lên khuôn, chúng tôi vẫn chưa nhận được mail phản hồi!
Vì sao MBHQM chưa phát triển?
Thực tế nêu trên chỉ là một phần nhỏ lý do khiến người mua "dè dặt", chưa yên tâm với việc MHQM. Đó là chưa nói đến việc nếu hàng được giao qua các dịch vụ giao hàng bị bể, vỡ... người mua không biết kêu ai, nhất là khi người mua vừa không có thời gian lại không muốn khiếu kiện. Trước đây, những lý do như đường truyền chậm, số người tham gia Internet chưa nhiều, người dùng chưa có thói quen MHQM, chưa có hành lang pháp lý... thường dùng để lý giải cho việc MBHQM chậm phát triển. Thế nhưng hiện nay, đường truyền Internet tương đối rộng, số người tham gia Internet đông, người muốn MHQM và thanh toán bằng thẻ tín dụng đã tăng, thì liệu người mua và người bán có "đội mưa" đến với nhau?
Cái chính là hiện nay, các đơn vị bán hàng chưa "mặn mà" BHQM, chưa thật sự đầu tư tương xứng. Một số website chỉ để quảng bá cho kênh bán hàng truyền thống, giao diện chưa thân thiện, công cụ tìm kiếm không hiệu quả, chức năng thông báo tự động không có... khiến người mua nản lòng. Thanh toán theo kiểu "tiền trao cháo múc", chưa có sự liên kết giữa ngân hàng và đơn vị bán hàng cũng làm mất đi ý nghĩa và tính năng của MBHQM. Ngay cả với các thẻ thanh toán quốc tế qua Internet, khách hàng muốn sử dụng phải cam kết với ngân hàng là hoàn toàn chịu rủi ro liên quan đến giao dịch thực hiện qua mạng càng khiến cho người mua lo sợ. Như vậy làm sao phát triển được MBHQM!
Trao đổi những điều này, chúng tôi mong muốn "người bán", "người mua" hàng qua mạng sau khi "khởi động" hãy cùng "vượt chướng ngại vật" để "tăng tốc" cho kịp đà trước khi có luật giao dịch điện tử ra đời.
Phan Thanh Nam
(Theo PC World Việt Nam)