Khái niệm Thương mại điện tử (TMĐT) gần đây đã được nhắc đến nhiều ở Việt Nam. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ TMĐT là gì và nó có lợi ích gì? Và càng ít người hơn có thể hiểu rõ những gì quan trọng và tiên quyết, thiết yếu để thực hiện TMĐT thành công. Bài viết này tóm tắt 10 điểm quan trọng mà bạn cần phải nắm khi quyết định tham gia TMĐT, dù là một phần khởi đầu của TMĐT, đó là xây dựng hệ thống web và bắt đầu tiếp thị hay bán hàng trên mạng. 1. Nếu TMĐT là dễ thì ai cũng có thể làm được : không phải chỉ cần thuê một nhóm kỹ thuật xây dựng một hệ thống web cho bạn rồi đưa hệ thống này lên mạng là bạn đã tự hào rằng mình đã thực hiện TMĐT. Để thực sự thu lại lợi ích mang lại bởi hệ thống web của bạn, bạn cần phải làm nhiều điều hơn. Đơn giản nhất là marketing website của bạn, nếu không, nó sẽ chìm mất trong hơn 2 tỉ trang web khác. Sau đó là làm sao để giữ người xem quay lại thường xuyên trang web của bạn. Nếu bạn không có thời gian, bạn có thể thuê những công ty dịch vụ để họ “chăm sóc” cho website của bạn.

2. Tiếp thị (marketing) là quan trọng nhất : bạn phải dành nhiều thời gian để thu hút đối tượng khách hàng vào xem trang web của bạn. Điều này cực kỳ quan trọng cho những trang web bán hàng trên mạng. Hoặc bạn có thể trả tiền cho dịch vụ marketing website của bạn. Thực ra, đây là hình thức rất phù hợp với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thay vì phải thuê ít nhất một nhân viên làm việc này và trả tiền cho đường truyền Internet, bạn có thể chỉ phải trả vài chục đô-la Mỹ mỗi tháng để thuê một công ty chuyên nghiệp tiếp thị và quảng cáo website của bạn đến với những đối tượng khách hàng của bạn trên khắp thế giới.

3. Bạn không thể bán những gì khách hàng không cần : không phải bất cứ thứ gì cũng có thể bán được qua mạng. Ví dụ, sẽ không ai mua gạo hay dầu gội qua mạng bởi vì họ có thể mua chúng dễ dàng ở các cửa hiệu ở mọi nơi. Khi bạn quyết định bán hàng qua mạng, bạn phải khảo sát kỹ liệu sẽ có thị trường tiêu thụ qua mạng cho mặt hàng của bạn hay không. Nếu có, thì ắt sẽ có người khác có cùng ý tưởng với bạn, nên cạnh tranh là điều không thể tránh khỏi, do đó, bạn phải biết cách làm nên sự khác biệt cho sản phẩm, dịch vụ của mình để tăng lợi thế cạnh tranh.

4. Khách hàng sẽ không thể mua nếu như họ không tìm thấy nơi bán : chìm ngập trong hơn 2 tỉ trang web, làm sao khách hàng có thể tìm thấy website của bạn? Thông thường một người biết được một website là do: tìm kiếm từ Search Engine, bạn bè giới thiệu, hay đọc được thông tin về địa chỉ website đó từ một nguồn nào khác. Cách tìm qua Search Engine là thông dụng nhất. Vì thế, bạn phải đăng ký website của mình với các Search Engine, kể cả trả tiền cho các Search Engine để được liệt kê ở những trang đầu. Ngoài ra, việc bố trí phân loại thông tin hay hàng hóa trên trang web của bạn cũng phải nhắm đến mục tiêu làm sao cho người xem tìm kiếm được cái họ muốn dễ dàng nhất. Nên nhớ, khách hàng sẽ không kiên nhẫn dạo chơi trong website của bạn lâu đâu. Nếu bạn làm họ mất kiên nhẫn, bạn sẽ mất khách hàng đấy!

5. Tốc độ : tốc độ là một yếu tố quan trọng trong TMĐT. Tốc độ truyền tải trang web của bạn chậm sẽ khiến khách hàng mất kiên nhẫn và bỏ đi. Có 2 yếu tố để cải thiện tốc độ truyền: trang web của bạn không nên có nhiều hình ảnh, âm thanh không thực sự hữu ích. Lý tưởng là mỗi trang web nên bé hơn 50KB. Và khi mua dịch vụ hosting, nên chọn lựa chất lượng hosting kha khá để có thể đảm bảo tốc độ xử lý và truyền tin không quá tệ. Ngoài ra, những khâu khác cũng cần lưu ý tốc độ như: trả lời email, thanh toán, giao hàng v.v… Bạn cũng luôn muốn được phục vụ nhanh chóng và có chất lượng phải không?

6. Website đơn giản : bạn hãy xem thử website www.google.com hay www.amazon.com và sẽ thấy rằng chúng rất đơn giản về thiết kế, không có hình ảnh động, nhiều màu sắc, nhưng điều tối quan trọng là chức năng mạnh của chúng. Đó là mấu chốt của vấn đề: khách hàng không cần một website mang tính “nghệ thuật” cao, mà họ cần một website cung cấp cho họ những chức năng, sản phẩm, thông tin họ cần.

7. Nếu bạn không hiểu khách hàng thì bạn không thành công được : đặc điểm của TMĐT là giao dịch ảo: người bán và người mua không cần phải gặp nhau. Do đó, việc tìm hiểu thói quen, sở thích của khách hàng trong TMĐT lại càng quan trọng và không dễ thực hiện. Do đó, bằng nhiều hình thức, bạn phải nghiên cứu kỹ về sở thích, thói quen, nhu cầu của nhóm khách hàng của bạn, để từ đó phục vụ khách hàng tốt hơn, và cũng là đẩy mạnh doanh số của bạn. Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, thuê một công ty dịch vụ chuyên về lĩnh vực này để nghiên cứu và tư vấn cho bạn sẽ hiệu quả hơn về chất lượng và chi phí.

8. Không phải ai cũng có khiếu về thiết kế web : cách tốt nhất để xây dựng hệ thống web của bạn, nếu bạn chưa hiểu biết sâu về TMĐT, là thuê một nhóm chuyên môn để làm việc này cho bạn. Ngày nay, chi phí dịch vụ cho việc xây dựng một website quảng cáo thông tin về doanh nghiệp của bạn chỉ vào khoảng trên dưới 100 đô-la Mỹ. Nếu bạn bán hàng qua mạng, chi phí này có thể cao hơn 3-4 lần. Ngoài ra, khi viết nội dung, bạn cũng có thể nhờ dịch vụ để chất lượng bài viết và bài dịch (tiếng Anh) cao hơn. Hiện nay có rất nhiều công ty dịch vụ xây dựng website và giá cả dịch vụ cũng rất đa dạng. Bạn nên tham khảo kỹ giá cả và các điều khoản dịch vụ, hậu mãi để có quyết định đúng đắn và không bị trả tiền quá nhiều.

9. Khách hàng dừng chân càng lâu thì càng có cơ hội bán được hàng : điều này cũng dễ hiểu vì nó cũng giống như trong thương mại truyền thống. Khi khách hàng chịu dừng chân lâu trong gian hàng của bạn ở siêu thị hay hội chợ, có nghĩa là họ đã bắt đầu quan tâm đến sản phẩm hay dịch vụ của bạn và họ thật tình muốn mua. Do đó, hãy tìm cách giữ chân khách hàng ở lâu trong trang web của bạn bằng cách xây dựng diễn đàn (forum), cung cấp thông tin hữu ích và hấp dẫn, tổ chức các trò vui chơi v.v…

10. Những chuyên gia không phải lúc nào cũng đúng : đúng là bạn phải nhờ đến các dịch vụ chuyên nghiệp khi xây dựng website, khi quảng cáo website v.v… Tuy nhiên, tốt nhất bạn hãy tự tìm hiểu những kiến thức chung nhất về TMĐT và mạnh dạn hỏi các chuyên gia những điều bạn muốn biết. Hãy có lập trường riêng của mình, trong khi vẫn biết lắng nghe người khác và sàng lọc các ý kiến. Đây là việc kinh doanh của bạn, và bạn phải có ý kiến riêng của mình.