Giống như hàng trăm ngàn món đồ khác, ĐTDĐ cũng dành cho mình một “phần đất” thênh thang trên các… website. Và với những “cư dân mạng” đi chợ di động ảo để sắm cho mình một “chú dế” thật chẳng còn là chuyện xa lạ. Chỉ có điều, mua “dế” trên chợ ảo cũng có “trăm ngả” khác nhau, với những thú vị và sự cố mà người đi chợ phải tự an ủi “may nhờ rủi chịu”…

“Chợ” nhiều như nấm sau mưa

Phải thừa nhận, nhu cầu trao đổi, mua bán ĐTDĐ cùng các loại phụ kiện đi kèm đã thúc đẩy vô số các website, thậm chí cả blog tham gia “họp chợ” khiến cho thị trường ĐTDĐ ảo giờ đây còn có phần sôi động hơn cả thị trường thực.

Chỉ cần vài cú nhấp chuột, hàng trăm website liên quan tới việc mua bán ĐTDĐ đã hiện ra.

Ở các “chợ” này, người ta không chỉ bán – mua ĐTDĐ mà còn tất cả những thứ kèm theo như pin, sạc, sim, bao điện thoại... Bất cứ ai muốn tham gia giao dịch chỉ cần đăng ký thành viên. Sau khi đăng ký thành công họ đều có thể “vô tư” mua – bán từ những sản phẩm “hot” nhất như iPhone xách tay đến những “cụ dế thất thập cổ lai hy” mà cái tên chắc chỉ vài ba người biết.

Nào cùng đi chợ ảo…

Dù cùng là chợ ảo song ở mỗi website lại có những đặc trưng riêng. Hai trong số các website mua bán thường được các "tín đồ" mua hàng qua mạng nhắc tới là www.didong.vn và www.chodientu.vn. Cả hai website này đều không hoàn toàn dành riêng cho việc mua bán ĐTDĐ nhưng đây lại là những chợ luôn có lượng khách giao dịch “đỉnh cao”.

Tại website www.didong.vn, muốn đăng bán sản phẩm ĐTDĐ trên 1 gian hàng, người có nhu cầu phải đăng ký và mất phí 200.000 đồng/tháng. Nhưng thường tính trọn gói 6 tháng với tổng phí là 1.200.000 đồng. Điều thú vị ở website này nằm ở một khâu vô cùng quan trọng: đó là khả năng so sánh giá niêm yết giữa các công ty, đơn vị cùng tham gia bán ĐTDĐ trên thị trường. Ví dụ, sản phẩm Nokia N72 Pink có thông tin giá của 15 cửa hàng khác nhau với các mức giá cụ thể của từng cửa hàng. Sau khi lựa chọn, khách hàng chỉ cần nhấp chuột vào ô “Mua hàng” đi kèm, rồi viết đầy đủ thông tin theo yêu cầu có sẵn.

Khách hàng có thể thanh toán trực tiếp với chủ gian hàng hoặc thanh toán qua bảo lãnh của www.didong.vn. Với cách thứ hai, khách hàng được bảo đảm việc chuyển và nhận tiền cũng như kết quả giao dịch với chủ gian hàng.

Tương tự trang web www.didong.vn, “phần đất” dành cho ĐTDĐ cũng như các sản phẩm PDA thuộc trang mua bán trực tuyến trên, cũng thu hút đáng kể lượng khách truy nhập.

Tại website này, khách hàng có thể tham gia nhiều hình thức mua khác nhau như đấu giá sản phẩm, mua hàng theo giá giá cố định.

Thông tin sản phẩm di động muốn bán cũng có nhiều hình thức thể hiện như rao vặt, đăng tin miễn phí, xây dựng gian hàng… Theo đó, để có một gian hàng di động – PDA nói riêng tại đây, người có nhu cầu cũng phải thực hiện những quy định của chodientu.vn và đóng mức phí là 300.000 đồng/tháng hay trọn gói 3 triệu
đồng/năm.

Trái với 2 website trên, www.muare.vn lại là một diễn đàn để các thành viên trao đổi mua bán hàng hóa với nhau. Tại đây không có những “gian hàng” mà chỉ dưới dạng các topic được các thành viên post lên chủ đề “Điện thoại – Điện thoại di động”, người “đi chợ” hoàn toàn được miễn phí trong các hoạt động mua bán, trao đổi của mình. Nhưng đôi khi, ưu điểm lớn này lại chính là nhược điểm. Bởi lẽ, thông tin sản phẩm khi đó hoàn toàn không được kiểm chứng trước khi đăng tải.

Đó chỉ là 3 trong số hàng trăm website, diễn đàn blog cho phép trao đổi mua bán ĐTDĐ tại Việt Nam. Số lượng chính xác hiện có bao nhiêu website cung cấp dịch vụ này chưa được thống kê. Chỉ biết rằng, khi tham gia “chợ ảo” sự lựa chọn cho khách hàng là vô cùng phong phú. Ví dụ, những người ưa thích dòng di động BlackBerry sẽ tìm đến Tinhte.com, thích SL45 thì truy nhập SL4X.com, tìm kiếm hàng chính hãng thì thường vào didong.vn…

Ngoài ra những công dân mạng chắc cũng không mấy xa lạ với một website mua bán hàng đầu thế giới nhưng phiên bản dành riêng cho thị trường Việt Nam: ebay.vn.

Tại đây, các mẫu di động mới nhất, độc nhất luôn được cập nhật. Bạn sẽ dễ dàng tìm thấy iPhone hay những mẫu di động mới chỉ được cập nhật, điểm tên trong những mục như “xu hướng” của e-Chip MOBILE, mà chưa thể có mặt tại thị trường trong nước.

May nhờ rủi chịu?

Đã là chợ thì dù thực hay ảo cũng là nơi tập trung nhiều mánh khóe, bởi ai đi chợ mà chả mong “mua may, bán đắt”. Chợ trên mạng cũng vậy, luôn tồn tại hàng giả, hàng thật, nói thật nói thách... Ai tinh mắt và lọc lõi thì mua được “đúng giá, chuẩn chất”. Những "tay mơ" thiếu kinh nghiệm sẽ phải trả “học phí” cho đến khi nào “đủ lông đủ cánh”…

Alice in Neverland, là một cái nick khá quen thuộc với nhiều người trên các diễn đàn thời trang và công nghệ. Chị tỏ ra hào hứng khi khoe cặp loa ngoài dành cho “chú” Sony Ericsson K750i mới “tậu” trên mạng với giá 250.000 đồng. “Âm bass êm, âm lượng điều chỉnh thoải mái, ít xước – đây đúng là một món hời”. Nhưng để có sự “hời” này, chị đã phải “quá tam ba bận” với các “tai nạn” mà bất kỳ tay mới vào “nghề” nào cũng gặp Alice khẳng định: “Hầu hết điện thoại di động và các phụ kiện đi kèm, cả cũ lẫn mới, trên mạng đều ít nhiều rẻ hơn so với các cửa hàng bày bán trên thị trường. Điều này hiển nhiên đúng, vì buôn bán trên mạng không phải đóng thuế và chịu nhiều chi phí khác. Nhưng cũng vì rẻ mà nhiều “chú gà” không tránh khỏi “sập bẫy”.

Một trong những chiêu quen thuộc nhưng chưa bao giờ cũ của những cao thủ là miêu tả cực “hot” về sản phẩm kèm theo tấm ảnh đã được chỉnh sửa bằng photoshop sao cho thật “long lanh”. Sau đó, với một tiêu đề topic giật gân kiểu “Bán gấp cứu tình”, “Cuối tháng bán đồ”… kèm theo cái giá thật mềm so với hàng chuẩn. “Cần câu” đã được thả ra. Công đoạn cuối là kiên nhẫn, chờ đợi những “chú gà” mới, ít kinh nghiệm mua hàng online “cắn câu”.

Mới đây, các thành viên mạng cũng truyền tai nhau một vụ lừa khá tinh vi song thật may, “kẻ cắp lại gặp bà già” nên nạn nhân không đến nỗi phải “ngậm đắng nuốt cay”.

Một chủ cửa hàng ĐTDĐ tại Hà Nội đã “nâng cấp” chiếc Sony Ericsson K800 thành hàng “hot” K810i rồi rao bán trên mạng. Một khách hàng có nick diễn đàn là Big Boys đã “duyệt” hình ảnh và tin tưởng trao tiền, lấy máy. Chỉ có điều, người bán kia không ngờ, nếu mình đã là“vỏ quýt dày” thì Big Boys chính là “móng tay nhọn”.

Mang máy về, việc đầu tiên Big Boys mở phanh “chú dế” ra kiểm tra và lập tức phát hiện trò gian dối. “Chú dế” K810 đã hiện nguyên hình là một “con” K800 được thay vỏ K810, thậm chí cả thông số GDFS của K800 cũng được “vọc” lại bằng phần mềm của hãng thứ 3 có tên ETool để biến thành thông số của K810.

Để làm rõ hơn chân tướng sự việc, Big Boys lên cả trung tâm bảo hành của Sony Ericsson xin kiểm tra IMEI và được xác nhận đó chính là số IMEI của K800.

Liên hệ lại với người bán để làm rõ “trắng - đen” bằng cách yêu cầu được đối chiếu phần cứng của K800 và K810i để chỉ ra sự khác biệt, người mua lại một lần nữa được chứng kiến người bán “bày trò”. Để chứng minh cho sự “trong sạch” của mình, người bán đã “nhanh tay” mở sẵn một chiếc K790 và cho rằng đó là phần cứng của K800 để đem ra so sánh với chiếc K810 vừa bán. Nhưng chủ hàng đã quên mất một chi tiết khá quan trọng rằng: phần cứng của K800 và K810 khá giống nhau, đều có camera VGA phía trước, trong khi phần cứng K790 lại hoàn toàn không có. Khó có thể chối cãi trước sự thật hiển nhiên, chủ hàng đã phải xin lỗi và hoàn tiền 100% lại cho khách.

Chỉ có điều, không phải ai cũng thuộc hàng “cao thủ” như Big Boys để có thể “vạch mặt, chỉ tận tay” kẻ gian lận.

(Theo e-Chip MOBILE)