eBay vào Việt Nam - Nỗi lo "cá lớn nuốt cá bé"
eBay - sàn giao dịch khổng lồ của thế giới đã chính thức đặt chân vào Việt Nam, mang theo "tham vọng" kết nối người tiêu dùng Việt Nam với thị trường 233 triệu người mua bán thường xuyên trên eBay.
Thương mại điện tử thế giới ngày nay đã trở thành hình thức giao dịch mua bán không thể thiếu, từ C2C (customer to customer) đến B2C (Business to customer) và B2B (Business to Business).
Tại Việt Nam, 3 năm trước, phong trào thành lập trang web C2C nở rộ, được đánh giá là sẽ làm thay đổi cả thói quen mua hàng của người tiêu dùng Việt. Thế nhưng, trên thực tế đến nay các trang web này vẫn quanh quẩn trong thị trường nội địa với hình thức thanh toán rất cổ điển là tiền hàng trao tay.
Ông Mai Anh, Giám đốc Trung tâm Tin học Bộ Khoa học Công nghệ, cho rằng ở Việt Nam chưa tồn tại một mô hình C2C theo nghĩa đầy đủ nhất: "C2C là sự giao dịch giữa cá nhân với cá nhân, mà trong nước rất ít hệ thống thuần chất như vậy. Có chăng chỉ là tạm coi các mục rao vặt trên các báo điện tử, diễn đàn hoặc chuyên mục của một số sàn đấu giá là C2C, tức là một dạng thương mại điện tử nửa vời, Thương mại điện tử tức là phải có lựa chọn hàng hoá, giao dịch, thanh toán... hoàn toàn qua mạng".
Trong khi đó, B2C và B2B dù bắt đầu được đầu tư, nhưng vẫn chỉ dừng lại ở mức tiềm năng. Chính vì vậy, sự có mặt của eBay tại Việt Nam được giới chuyên môn nhận định sẽ là "cú hích" đối với thương mại điện tử, đặc biệt là giao dịch C2C trong nước.
Cơ hội hay mối đe doạ?
Ông Sam McDonagh, giám đốc eBay khu vực Đông Nam Á cho biết: "eBay đang tạo ra nhiều cơ hội cho cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam có thể mua và bán những gì họ muốn ra thị trường thế giới". Điều này hoàn toàn có cơ sở, bởi eBay hiện có mặt tại 38 thị trường, với 233 triệu người sử dụng có đăng ký trên khắp thế giới. Khoảng 1,3 triệu người bán hàng trên thế giới sử dụng eBay như một kênh chính hoặc phụ.
Thông qua eBay.vn, người sử dụng có thể tiếp cận với những lợi ích và cơ hội do eBay toàn cầu cung cấp. Đối với người bán, eBay giúp họ mở rộng phân phối hàng hoá nhanh nhất, tối đa hoá giá bán và tiếp cận nhiều khách hàng mới. Đối với người mua, họ có thể truy nhập và mua được hàng với giá hợp lý.
Việc eBay vào Việt Nam, bên cạnh tác động tích cực cũng đồng thời là thách thức đối với ngành kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam. Nhiều người cho rằng khi eBay vào Việt Nam sẽ mang theo mối đe doạ thôn tính thị trường. Liệu trước sức mạnh áp đảo của một "ông khổng lồ", những doanh nghiệp nhỏ bé có đủ sức trụ lại hay sẽ "chết"?
Giám đốc một trang web thương mại điện tử tâm sự: "Bản thân tôi cũng rất lo lắng khi biết tin eBay vào Việt Nam, tuy nhiên đến thời điểm này số lượng người truy nhập và giao dịch trên website của chúng tôi cũng chưa có dấu hiệu sụt giảm, tạm thời cũng có thể coi là dấu hiệu đáng mừng. Hy vọng, với nỗ lực của chúng tôi trong thời gian tới, sẽ không đến nỗi bị "nuốt mất thị phần".
Tuy nhiên, lo lắng này không phải không có cơ sở. Một quan chức của Bộ Thương mại cũng dự đoán: eBay vào Việt Nam đồng nghĩa với việc một số trang web thương mại điện tử không đủ sức cạnh tranh sẽ ra đi, nhưng chắc chắn môi trường thương mại điện tử sẽ sôi động hơn.
Hợp tác cùng phát triển
Xét một cách khách quan, việc eBay hay các "đại gia" khác trong lĩnh vực TMĐT như amazon, alibaba... vào Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian. Bởi TMĐT là một thị trường rất rộng lớn và ranh giới địa lý không phải là yếu tố quyết định. Việc xuất hiện một đối thủ lớn như eBay sẽ là chất xúc tác các hoạt động TMĐT tại Việt Nam. Đứng trước nỗi lo mất cả thị trường, các doanh nghiệp phải cố làm tốt hơn, chuẩn bị cho mình một chiến lược, định hướng cụ thể. Ngoài ra, eBay mang đến một tác động vô hình khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam xích lại gần nhau để cùng phát triển.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định: "Để có thể cạnh tranh với eBay, các doanh nghiệp trong nước phải có sự phối hợp tốt. Các doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế riêng như trẻ, năng động, am hiểu thị trường, văn hoá tiêu dùng trong nước. Đứng trước sức ép của thị trường mở cửa, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thể có những mặt hàng, những chính sách khôn khéo để cạnh tranh và tồn tại".
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lại cho rằng các ưu thế về văn hoá, sự am hiểu thị trường... mà các doanh nghiệp Việt Nam đang có ưu thế so với eBay hiện nay là những thứ dễ bị bắt kịp hơn so với khoảng cách tài chính và sự hấp dẫn của một thị trường rộng mở của họ. 233 triệu người đang sử dụng mạng eBay là một con số mà các doanh nghiệp Việt Nam không thể với tới. Doanh số, lợi nhuận của eBay là một cách biệt quá xa. Viễn cảnh các doanh nghiệp Việt Nam phải sống với tư thế của kẻ yếu là hoàn toàn có thật. Khi đó, các doanh nghiệp chỉ có thể chia sẻ những phân khúc thị trường nhỏ hẹp, chẳng hạn 123mua! sở hữu một lượng đáng kể khách hàng là người chơi game và 1001shoppings đang hướng tới các thị trường chuyên biệt như dịch vụ xây dựng, địa ốc và thị trường tranh.
(Theo PhongCachViet)