Internet thay đổi thế giới kinh doanh một lần nữa...
Mối đe doạ trở lại
Người ta nói rằng, Amazon.com đã thay đổi luật chơi của "trò chơi bán sách". Amazon.com là ví dụ kinh điển của việc một công ty TMĐT nhảy vào kinh doanh một mặt hàng truyền thống qua mạng Internet và làm suy sụp hàng loạt công ty kinh doanh cùng một mặt hàng nhưng theo kiểu cũ. Theo sau đó, vô số công ty khác trong các lĩnh vực âm nhạc, du lịch cũng bị khốn đốn bởi những đối thủ non trẻ mới thành lập, được điều hành bởi những thanh niên đội mũ lưỡi trai, đi giày thể thao, phóng ầm ầm trên những chiếc Ferrari. Không ai muốn trở thành người tiếp theo bị "Amazon hoá" (Amazoned), theo cách nói đã trở thành cửa miệng. Vì vậy, khi thị trường TMĐT thế giới nổ tung như bong bóng vào năm 2000, các công ty lớn phần nào thấy nhẹ người bởi ít nhất cách thức kinh doanh chung sẽ không thay đổi quá nhanh như họ đã tưởng.
4 năm sau, giờ đây mối đe doạ đó đang trở lại. Những nhà kinh doanh TMĐT thế hệ mới đã học được bài học của sự bồng bột dẫn đến thất bại sau lần chiến thắng đầu tiên; công nghệ đã tiến một bước dài; còn Internet thì đã trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Công nghệ mới và những cách thức làm ăn mới đang đe doạ giảm giá thành, thu hút lợi nhuận của các đối thủ truyền thống, cắt bỏ các khâu trung gian, và đẩy nhiều công ty ra khỏi cuộc chơi. Hầu như không có ngành kinh doanh nào hiện nay có thể cho là mình được "miễn nhiễm" khỏi mối đe doạ đó. Trong tương lai trước mắt, Internet thể hiện rằng nó sẽ thay đổi bản chất của ít nhất 6 ngành kinh doanh quan trọng: Khách sạn, viễn thông, đồ trang sức, phần mềm, thanh toán hoá đơn, và bất động sản.
6 ngành trong "khu vực báo động"
Cuối tháng 4.2004, Giám đốc điều hành của Amazon, Jeffrey Bezos, bắt tay vào kinh doanh đồ trang sức. Chỉ riêng sự việc này đã đủ nói lên một điều gì đó. Nhưng Bezos còn "đe doạ" một cách cụ thể hơn khi phát biểu rằng ông có thể mua một viên kim cương với giá 500USD và bán lại với giá 575USD, trong khi các cửa hàng kim cương ngoài phố bán nó với giá 1.000USD. Internet cho phép các cửa hàng trực tuyến kinh doanh đồ trang sức, đá quý kết nối trực tiếp qua mạng với nhà khai thác ở tận Nam Phi, loại bỏ 3-5 khâu trung gian để rồi bán với tỉ lệ chênh lệch rất thấp mà vẫn lãi lớn.
Trong quý IV/2003, gần 60% số công ty Internet có mặt trên các thị trường chứng khoán làm ăn có lãi. Bức tranh sáng sủa này đang thu hút rất nhiều nhà đầu tư trở lại thị trường TMĐT. Điều khác biệt bây giờ so với thời 5-10 năm trước là thế mạnh về công nghệ hiện nay được chia đều hơn cho tất cả mọi người trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ. Những công ty truyền thống cũng như những người mới nhập cuộc, ở một mức độ nào đó đều có cơ hội sử dụng công nghệ để vươn lên, hoặc để giữ vững vị thế của mình. Trong khi hàng loạt công ty mới đang ăn nên làm ra với dịch vụ điện thoại qua Internet (VoIP) thì các công ty điện thoại truyền thống cũng mở rộng sang dịch vụ này. Internet không chỉ là sân chơi chung của lĩnh vực viễn thông, nó còn là xu hướng tất yếu của ngành kinh doanh này.
Tương tự, sự phổ biến của Internet băng thông rộng đang thay đổi bộ mặt của ngành công nghiệp phần mềm. Internet ngày càng giúp cho việc các lập trình viên trên khắp thế giới cùng tham gia phát triển các phần mềm nguồn mở trở nên dễ dàng. Các hãng phần mềm đã thiết lập được chỗ đứng vững như Microsoft cũng phải liên tục bám vào dòng phát triển của Internet. Bất cứ ai với một ý tưởng mới tận dụng lợi thế của Internet cũng có thể có một sức mạnh cạnh tranh mang tính đe doạ cho các đối thủ khác. Chính IBM mới đây công bố công nghệ mới cho phép người dùng chạy các phần mềm qua mạng với chi phí chỉ 2USD/người/tháng đã được đánh giá là một mối đe doạ khổng lồ đối với Microsoft.
Trong ngành ngân hàng, tài chính, việc thanh toán hoá đơn trực tuyến đang bùng nổ. Đơn giản vì chi phí cho mỗi lần thanh toán qua mạng chỉ bằng 20-30% chi phí thanh toán bằng séc thường. Tại Mỹ, ước tính trong năm 2003 khoảng 65 triệu người đã từng dùng Internet ít nhất một lần để thanh toán hoá đơn, tăng 97% so với năm 2002. Internet đang thay đổi hoàn toàn cách thực hiện các giao dịch tài chính.
Một số ngành kinh doanh khác ít mang tính công nghệ hơn thì lại đang phải chật vật đối đầu trực diện với các đối thủ hoạt động trên Internet. Các dây chuyền khách sạn nổi tiếng đang bị thất thu từ những khách sạn được uỷ quyền thương hiệu của họ, bởi những khách sạn đó cung cấp giá quá ưu đãi cho các công ty du lịch hoạt động trực tuyến. Tập đoàn InterContinental đã phải đề ra mức phạt và doạ rút giấy phép thương hiệu của nhiều khách sạn uỷ quyền vì việc đó. Nhưng nếu các khách sạn uỷ quyền không làm như vậy, các công ty du lịch trực tuyến có thể dễ dàng kiếm được thoả thuận giảm giá từ nhiều khách sạn khác. Trường hợp của các công ty kinh doanh bất động sản cũng vậy. Tập đoàn lớn Cendant của Mỹ đã cố gắng chống lại các đối thủ cạnh tranh trên web bằng cách tạo áp lực để Hiệp hội Kinh doanh bất động sản Mỹ phải gây khó khăn cho họ. Nhưng kết cục là hiện nay Bộ Tư pháp Mỹ đang điều tra Cendant theo Luật Chống độc quyền.
Điều thú vị là trong trận chiến lần này, sẽ có người thắng kẻ bại ở cả hai phía - những công ty lâu năm và những công ty mới mọc lên từ Internet. Dù thế nào, điều chắc chắn là Internet sẽ tạo nên những thay đổi lớn và vĩnh viễn trong cả 6 ngành kinh doanh nói trên, cũng như rất nhiều ngành khác nữa.
Tuấn Anh