Không phải ngẫu nhiên mà điều tra của tổ chức nghiên cứu kinh tế uy tín EIU đã đánh sụt hạng e-readiness ( sẵn sàng cho thương mại điện tử) của Việt Nam từ hạng 54/60 trong năm 2000 xuống 58/60 trong năm 2001. Đến năm 2002, EIU nâng Việt Nam lên hạng 56. Dù sao xếp hạng này cũng đưa Việt Nam vào nhóm cuối bảng của thế giới. Sự tụt hậu này đã diễn ra sau những con số đầu tư vào công nghệ thông tin được biết là rất lớn.

Thực tế như thế nào? Chúng tôi tiến hành thử trên một hệ thống đã từng một thời rầm rộ “cắt băng khánh thành” được báo chí ca ngợi như bước tiến vào kỷ nguyên thương mại điện tử là www.business.gov.vn và thấy rằng chẳng thể tra cứu được công ty nào trong phần danh bạ. Ngay cả khi chúng tôi tìm doanh nghiệp nổi tiếng như FPT và Vinamilk, cũng không thấy. Font chữ trên trang web này lộn xộn mất dấu mất chữ, không thể đọc được. Tốc độ rề rề ngay cả khi truy cập từ Việt Nam. Trang web còn nhiều nhược điểm khác, làm nổi bật tính không chuyên. Ðặc biệt, một khách nuớc ngoài muốn liên lạc với doanh nghiệp Việt Nam thì không thể tìm trong danh bạ được và sẽ nhận được thông điệp là chúng tôi chỉ có tiếng Việt thôi!? Có thể nào xúc tiến đầu tư bằng những thông điệp như thế?

Thử tiếp trên website của cơ quan nổi tiếng là điểm kết nối doanh nghiệp: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI (www.vcci.com.vn), thử mục bất kỳ là thông tin kinh tế/tài chính – ngân hàng: thật kỳ cục là tin gần nhất là tháng 8-2001?! Tệ nữa, khi nhấn vào để đọc tin thì nhiều mục báo lỗi! Trong một thời đại tiến như vũ bão về thông tin, tình hình tài chính biến động từng giờ, thì hệ thống này phục vụ được ai? Ai dám tin tưởng sử dụng? Thử tiếp www.vietrade.gov.vn của Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Thương mại, xem sao. Ðiểm “nổi bật” là tốc độ chậm không thể chịu đựng. Vào tiếp Cơ-hội-kinh-doanh, và thử mặt hàng May mặc (một thế mạnh sản phẩm Việt Nam cần xúc tiến), ta chỉ thấy có năm cơ hội cho cả bán (4) và mua (1). Thử một cơ hội, ta sẽ được các thông tin sau : Một cái tên, một cái e-mail, không địa chỉ, không có số điện thoại, không số fax, không cả tên công ty!

Chỉ là những ví dụ ngắn, nhưng là của những cơ quan lớn, mang trọng trách thúc đẩy phát triển nền thương mại, đầu tư Việt Nam, đã cảm nhận sự lộn xộn, không chuyên, tắc trách ra sao trước những cơ hội kinh doanh đang mở ra. Ta thường nói về thất thoát đầu tư xây dựng cơ bản vài ba chục phần trãm, nhưng theo chúng tôi đó chưa phải là các kỷ lục. Xét về những đầu tư Internet kiểu này, thất thoát là 100%, mất đi các cơ hội, mất đi niềm tin của công chúng vào Internet Việt Nam. Ta cũng không thể không nhắc sự gục ngã của những hệ thống cũng “vang bóng một thời” ví dụ: www.B2VN.com và liên doanh dự kiến www.MeetVietnam.com, vốn đã làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực.

Điều chúng tôi muốn nhấn mạnh là Internet và các hệ thống liên quan như website không được phép hiểu như là “thiết kế trang web”, một khái niệm được nhắc đến rất hời hợt. Nó cần được hiểu là các tư tưởng chủ đạo doanh nghiệp, tinh thần xuyên xuốt của ban lãnh đạo, hệ thống tri thức-hiểu biết của chính đội ngũ doanh nghiệp, và một tác phong phục vụ khách hàng - người đọc.

Tuy vậy, vẫn tồn tại những hệ thống thương mại điện tử đang hoạt động đắc lực ngày đêm ở Việt Nam, ví dụ www.vietetrade.comwww.bvom.com, nơi hàng hóa và cơ hội mua bán được giao tiếp chuyên nghiệp (lưu ý là miễn phí). Hệ thống e-commerce này đã bền bỉ nằm trong các doanh mục địa chỉ quan trọng nhất của Việt Nam trên hệ thống nổi tiếng toàn cầu www.google.comwww.excite.com từ hơn hai năm nay. Các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng tích cực hoạt động ở đây, vì sự thiết thực và gần gũi với doanh nghiệp, và hơn hết là vì những cơ hội thực sự từ một phương pháp làm việc chuyên nghiệp mang lại. Rất tiếc đây là một hệ thống của doanh nghiệp dân doanh, và chưa nhận được một sự đầu tư nào trong các chính sách hỗ trợ công nghệ, bất kể sự hiện diện vững mạnh, bền bỉ, đầy sức sống của nó.

(Kiến thức sưu tầm)