Triển vọng sáng sủa đang trở lại với thương mại điện tử (TMĐT). Một triển vọng mà có lẽ không ai dám nghĩ tới vào thời điểm năm 2000, khi nhiều người đã mất niềm tin vào Internet và nền kinh tế số. Tại một số nước phát triển, TMĐT đã trở thành một nhân tố quan trọng trong toàn bộ nền kinh tế. Thử làm một phép so sánh, trên thị trường chứng khoán Mỹ chỉ số công nghiệp Dow Johns cho các công ty Internet đã tăng 119% trong năm ngoái trong khi chỉ số Standard & Poor’s của 500 công ty hàng đầu chỉ tăng 18%.

Những ai đứng đằng sau sự chuyển biến đáng mừng đó? Tạp chí Business Week của Mỹ đã lựa chọn một số nhân vật tiêu biểu nhất. Họ có thể là những nhà quản trị, nhà nghiên cứu hay triển khai công nghệ nhưng có chung đặc điểm là với tầm nhìn, ý tưởng của mình đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của TMĐT trong thời gian qua.

Steve Jobs, Apple

Steve Jobs

Giám đốc điều hành Apple Steve P. Jobs nổi tiếng về “cách nghĩ khác”, nhất là từ sau khi Apple thành công trong hoạt động kinh doanh giải trí qua mạng. Trước khi Apple tung ra iTunes Music Store hồi tháng tư năm ngoái, sự tranh cãi giữa các hãng băng đĩa và các cửa hàng trên mạng về khả năng hợp tác kinh doanh âm nhạc đã khiến người tiêu dùng chẳng còn lựa chọn nào tốt hơn là sử dụng các dịch vụ chia sẻ tệp tin miễn phí như Kazaa.

Giờ đây, Apple đã tháo gỡ được bế tắc này và mở ra khả năng bán hàng qua web cho ngành công nghiệp giải trí. Jobs đã thỏa thuận được với 5 hãng âm nhạc lớn với các điều kiện đơn giản, hấp dẫn. Tất cả các bài hát sẽ được tải về với giá 99 cent, và thậm chí người dùng có quyền ghi bài hát ra đĩa CD, tải về các máy nghe nhạc di động, hoặc chia sẻ với bạn bè. Chỉ sau 4 tháng, Apple đã bán được hơn 10 triệu bài hát, trong khi các đối thủ lớn như Amazon.com, Microsoft lập tức đưa ra các dịch vụ mô phỏng theo.

Jobs khẳng định: “Chúng tôi đã tìm ra cách giải quyết rắc rối lâu nay trong lĩnh vực kinh doanh âm nhạc qua mạng. Từ nay, khách hàng có một dịch vụ hợp pháp để tìm kiếm các tệp tin âm nhạc chất lượng cao, thay vì chỉ là tìm kiếm bất hợp pháp như trước kia”.

Không chỉ dừng lại ở đó, đầu năm 2004, Apple dự định đưa hệ thống iTunes Music Store tích hợp vào các máy tính dùng hệ điều hành Windows của Microsoft, vốn chiếm 95% thị phần hệ điều hành. Bí quyết của Jobs là tránh để Apple đi vào vết xe đổ - thực hiện quá nhiều cải tiến trong khi doanh số giảm.

Sanjay Sarma, Trung tâm nhận dạng tự động của MIT

Sanjay Sarma

Thông thường, khi ai đó nói về robot, bạn sẽ nghĩ ngay đến R2-D2. Nhưng Sanjay Sarma, 35 tuổi, một chuyên gia về người máy và là giám đốc nghiên cứu của Trung tâm nhận dạng tự động (Auto-ID Center) thuộc Viện công nghệ Massachusetts (MIT), đã đưa khoa học cảm biến tới với mức siêu nhỏ. Phát minh này của ông là “cú hích” lớn cho sự phát triển của TMĐT Sanjay Sarma đã tạo ra một công nghệ mới để theo dõi, kiểm soát lộ trình của mọi hàng hóa từ nhà máy đến kho hàng, rồi đến khi nằm trên giá hàng giá hàng siêu thị. Hệ thống mới này có tên gọi RFID (công nghệ nhận dạng theo tần số radio), được thiết kế dựa trên các con chíp có thể đọc từ xa thông qua kết nối Internet không dây.

Thông qua việc gắn một chíp loại nhỏ trong mỗi sản phẩm hoặc côngtenơ chở hàng, RFID có thể giúp khách hàng mua lẻ và nhà cung cấp theo dõi được sản phẩm, côngtenơ chở hàng cho dù chúng ở bất cứ nơi nào qua một thiết bị đọc các tín hiệu. RFID giúp các nhà sản xuất và phân phối kiểm soát số lượng hàng bày bán, tình trạng thất thoát cũng như chi phí lưu kho. Với sự trợ giúp của hàng loạt công ty và 5 trường đại học lớn, Sarma đã tạo nên một mạng lưới bao quát toàn bộ từ các lô hàng trong kho đến từng sản phẩm, qua RFID.

Hệ thống này đang dần trở thành chuẩn công nghệ cho toàn bộ ngành bán lẻ. Chỉ một vài năm nữa, hệ thống mã vạch hiện nay sẽ bị thay thế bằng RFID. Theo các chuyên gia của MIT, con chíp định vị theo tần số radio sẽ có mặt ở khắp mọi nơi và những ứng dụng của nó là rất thiết thực và khả thi. Sarma tin rằng, một ngày nào đó “bất cứ thứ gì bạn đụng vào và tính toán đều được theo dõi bởi RFID”.

Mark Benioff, công ty Salesforce.com

Mark Benioff

Trước đây, Mark Benioff và công ty nhỏ bé của mình chỉ là đối tượng để cười giễu của những người thích đùa trong giới công nghệ. Tuy nhiên, giờ đây Mark Benioff đã khiến cho những “ông lớn” phải nhìn lại chính mình. Chính Benioff chứ không ai khác đã chứng minh rằng việc bán phần mềm qua web như một dịch vụ bình thường là giải pháp rất khả thi so với việc đặt hàng trọn gói phần mềm với chi phí tốn kém và thời gian cài đặt kéo dài. Ông đã khiến các công ty phần mềm nhận ra rằng họ có thể kiếm tiền bằng việc bán phần mềm như một dịch vụ. Kết quả kinh doanh của Salesforce.com là một bằng chứng rõ ràng.

Salesforce.com (San Francisco, Mỹ), công ty cung cấp dịch vụ quản lý bán hàng và các dịch vụ khách hàng, đã đạt doanh số 21,6 triệu USD trong quý 2/2003, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận của các quý cũng tăng đều đặn. Đây là nhà cung cấp “dịch vụ phần mềm” đầu tiên có lợi nhuận.

Các công ty phần mềm lớn đã buộc phải hành động để không bị mất thị phần vào tay Salesforce.com. Giới thạo tin cho biết Siebel, công ty trước đây đã quay lưng lại với Benioff, đang chuẩn bị tung ra chào bán “dịch vụ phần mềm” tương tự để đối phó lại với Salesforce.com.

Meg Whitman, Giám đốc điều hành eBay

Meg Whitman

Bà Margaret C. Whitman, 47 tuổi, chính là người đã đưa eBay từ một trang web tầm thường kiểu “chợ trời” trở thành một tên tuổi lớn bậc nhất trong thế giới TMĐT.

Ebay được khởi nguồn từ một ý tưởng lớn, về một trong số ít những năng lực lớn nhất của Internet, đó là mua bán mà không cần kho hàng, không cần dự trữ. Thay vào đó, một “chợ” trên mạng sẽ được hình thành để mọi người đều có thể bày bán hoặc tìm mua những gì họ muốn. Nhưng không chỉ đơn giản như vậy, Whitman còn biến Ebay trở thành một nền kinh tế ảo, tự điều chỉnh, trên phạm vi toàn cầu. Năm nay, eBay dự kiến đạt tổng doanh thu 20 tỷ USD từ việc bán đủ loại hàng hóa tại khắp các nước Mỹ, Đức, Hàn Quốc hay Brazil…

Mặc dù chưa có được sự bảo đảm chắc chắn như Procter & Gamble (PG), Walt Disney (DIS), hay Hasbro (HAS), nhưng kể từ khi đến với eBay năm 1998, bà giám đốc khiêm tốn này đã xây dựng eBay thành một kiểu cộng đồng độc đáo với 30 triệu thành viên quân sự.

Những thành viên của eBay không chỉ tham gia mà còn hỗ trợ đắc lực để cải tiến trang web này. Hiện nay, họ đang giúp bà Whitman loại bỏ tối đa những vướng mắc, hạn chế trong mọi khâu giao dịch. Chẳng hạn, năm ngoái, sau khi tham khảo ý kiến của những người sử dụng, eBay đã mua hệ thống thanh toán của công ty PayPal. Với công cụ này, khách hàng của eBay có thêm một lựa chonm mới, đơn giản, thuận tiện, an toàn cho quá trình thanh toán.

Bà Whitman chỉ nói đơn giản về bí quyết của mình “Chúng tôi luôn cố gắng để mọi giao dịch được thực hiện rõ ràng, minh bạch, ít các quy định rườm rà, đồng thời, cũng hạn chế tối đa mọi sự gian lận”. Trước sự phát triển không ngừng của Internet, quy tắc đơn giản trên chính là điều các công ty phải luôn luôn nhơ.

Jeff Bezos, Amazon.com

Jeff Bezos

Với công ty Amazon.com Inc, ngày 21/6/2003, ngày đầu tiên cuốn Harry Potter và Lệnh của Phượng hoàng được đưa ra bán là một cơ hội và cũng là thử thách lớn nhất của năm. Tuy nhiên, Amazon đã vượt qua được thử thách này với thành công lớn khi tiêu thụ 1,4 triệu cuốn sách qua mạng chỉ trong một ngày. Sự hâm mộ cuồng nhiệt với cậu bé Potter đã giúp doanh số của Amazon trong quý 2 tăng 37%, đạt 1,1 tỷ USD, mức tăng trưởng nhanh nhất kể từ cuối năm 2000.

Điều kỳ diệu đằng sau sự hồi phục của Amazon chính là do sự táo bạo đến liều lĩnh của người sáng lập và giám đốc điều hành Jeffrey P. Bezos. Ông đã quyết định giảm giá không thương tiếc các loại sách báo cùng nhiều sản phẩm khác, đồng thời miễn phí vận chuyển đối với đơn đặt hàng trên 25 USD. Lợi ích của việc làm này là doanh số của Amazon năm qua tăng chóng mặt và đây cũng là năm đầu tiên Amazon đã có lợi nhuận. Theo công bố mới nhất vào cuối tháng 1/2004, doanh số của công ty năm 2003 là 5,264 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2002, trong khi lợi nhuận dòng đạt 35,5 triệu USD. Vượt qua tất cả những hoài nghi, Bezos đã chứng minh được sức mạnh quản lý của mình.

Không dừng lại ở việc chỉ bán hàng hóa của Amazon, Bezos gần đây đã thiết lập mô hình giúp các nhà bán lẻ trên mạng khác cùng cung cấp hàng hóa cho 33 triệu khách hàng của Amazon. Trên thực tế, khoảng 19% hàng hóa được bán trên Amazon là của các nhà bán lẻ khác. Bezos cho biết: “Chúng tôi hiểu rằng khách hàng phải được tận dụng hết những ưu thế của TMĐT qua công nghệ theo tiêu chuẩn thế giới”.

Terry Semel, Yahoo!

Terry Semel

Khi cựu giám đốc điều hành Warner Bros. (AOL) Terry S. Semel đến Thung lũng Silicon năm 2001 để bàn về việc nhận công việc quan trọng hàng đầu tại công ty Yahoo!, ông hoàn toàn chỉ là người xa lạ với nơi này. Thậm chí ông còn bị lạc đường về sau buổi gặp với giám đốc Yahoo Edward Kozel và phải nhờ một người bạn đến chỉ đường.

Nhưng hiện nay, Semel đã gần như là người định hướng cho cả thế giới dot-com. Trước hết, những kỹ năng giao dịch của Semel đã phục hồi hoạt động kinh doanh quảng cáo của Yahoo. Ngoài ra, Semel đã yêu cầu toàn bộ các dịch vụ mạng của Yahoo, từ email cho đến tỷ giá, tìm kiếm web… đều phải tương tác với nhau hết mức có thể. Thay vì là một người hướng dẫn “fair-play” trên Internet như Google, Semel sắp xếp các dịch vụ của Yahoo theo kiểu như mô hình công viên giải trí, nơi khách hàng được khuyến khích, níu giữ ở lại giữa các bức tường của Yahoo càng lâu càng tốt.
Doanh thu và lợi nhuận của Yahoo đã tăng kỷ lục, trong khi giá cổ phiếu của công ty đạt 35 USD, gần gấp đôi giá cổ phiếu của các công ty đối thủ. Các nhà đầu tư lại có dịp để hét lên “Yahoo!”.

Barry Diller, InterActiveCorp

Barry Diller

Nhân vật đầy thế lực ở Hollywood này là một chuyên gia lĩnh vực kinh doanh truyền thông và giải trí, và cũng đã mua lại một số trang web thương mại điện tử khá thành công như Expedia, Hotels.com, Ticketmaster, và trang web cầm đồ Lending Tree (TREE). Hơn bất kỳ ai khác, ông hiểu được rằng Internet là môi trường trung gian lý tưởng cho các loại thị trường mà gần như không chịu sự kiểm soát nào. Lĩnh vực ông nhằm đến là: du lịch, bất động sản, và giải trí. Nếu duy trì tốc độ tăng trưởng như hiện nay, công ty của Diller sẽ đạt doanh số 6,2 tỷ USD trong năm 2004, lớn hơn cả Amazon và eBay.

Diller tin rằng nếu biết tận dụng hết ưu thế của Web, chúng ta có thể thu xếp được các giao dịch vừa có lợi hơn cho khách hàng, vừa đem lại lợi nhuận cho công ty. Chiến lược kinh doanh của Diller không chỉ đặt nhiều sức ép cho những nhân viên giao dịch mà còn cho cả các nhà cung cấp cho IAC, như các công ty hàng không và khách sạn.

Theo ông Diller: “Internet đã chuyển một phần quyền lực từ trong tay nhà cung cấp vào tay khách hàng. Với môi trường Web, nếu bạn biết nhắm đến đúng khách hàng, đúng nhu cầu, bạn sẽ kinh doanh thành công”. Và đó cũng là thành công mà Barry Diller đã tạo được cho riêng mình.

Eric Schmidt, Google

Eric Schmidt

Khi Eric E. Schmidt, nhân vật kỳ cựu 48 tuổi của Sun Microsystems (SUNW) và Novell (NOVL) tiếp quản Google Inc hai năm trước đây, không ai nghĩ ông may mắn vì đây quả là một thử thách thực sự.

Vào thời điểm đó, Google đã gần như đơn thương độc mã dựng lại dịch vụ tìm kiếm web, một lĩnh vực mà những nhà tiên phong như Yahoo! Bỏ qua. Google đã trở thành chiếc cầu nối ngắn nhất giữa người sử dụng và thông tin trên Net, sẵn sàng trả lời mọi tìm kiểm của khách hàng chỉ trong vài giây. Một tên tuổi mới nổi như Google đã “mở mắt” cho các nhà tiên phong trên Internet về cách thu tiền từ đường liên kết quảng cáo ngay trên trang kết quả tìm kiếm. Dịch vụ tìm kiếm có thu phí là một trong những hoạt động lãi nhất trong lĩnh vực kinh doanh Internet hiện nay. Gương mặt nổi bật nhất là google, với dự tính sẽ thu 700 triệu USD trong năm nay và niêm yết cổ phiếu lần đầu vào năm tới.

Các đối thủ kỳ cựu như Yahoo và MSN của Microsoft đã nhanh chóng nhận ra sai lầm và đang quay lại tập trung giành thị phần với Google. Vì vậy, thách thức với Schmidt hiện nay là: giữ cho Google phát triển ổn định và duy trì vị trí hàng đầu trong lĩnh vực tìm kiếm thông tin. Cuộc cạnh tranh sắp tới hứa hẹn sẽ đầy cam go.

Linda Dillman, Wal-Mart Stores

Linda Dillman

Năm ngoái, sau khi trải qua một loạt các vị trí tại phòng công nghệ, Linda Dillman, người phụ nữ 47 tuổi đã được bổ nhiệm vị trí giám đốc công nghệ của Wal-Mart.

Hiện nay, bà đang thiết lập lộ trình công nghệ không chỉ cho một mình Wal-Mart mà còn cho cả ngành công nghiệp bán lẻ trị giá 2,7 nghìn tỷ USD của Mỹ. Ưu tiên hàng đầu hiện nay là phổ biến việc sử dụng công nghệ định vị tần số radio (RFID) lên toàn bộ chuỗi cung ứng hàng hóa của Wal-Mart. Điều nãy sẽ cho phép công ty dùng Web theo dõi mọi hàng hóa từ nhà máy cho đến giá bày hàng siêu thị ở khắp mọi nơi trên thế giới. Bà đề nghị 100 nhà cung cấp hàng đầu của Wal-Mart gắn thẻ (con chip) RFID lên sản phẩm kể từ năm 2005. Một khi Wal-Mart áp dụng công nghệ này, tức là cả ngành bán lẻ của Mỹ cũng sẽ làm theo.

Dilman cũng thúc đẩy một dự án hỗ trợ công nghệ để các nhà cung cấp xây dựng một cơ sở dữ liệu tập trung về các sản phẩm trên Net. Mục đích là giảm thiểu sai sót trong quá trình bổ sung hàng hóa và giới thiệu nhanh hơn các thông tin về sản phẩm mới. Bà là một trong những người tiên phong đưa ngành công nghiệp bán lẻ đi vào điện tử hóa.

Michael Dell, Dell

Michael Dell

Ở tuổi 38, Michael S.Dell là nhân vật hàng đầu trong giới kinh doanh điện tử. Từ trụ sở công ty tại Round Rock, bang Texas (Mỹ), Dell điều hành một kênh phân phối trên mạng với doanh số 50 triệu USD mỗi ngày, bằng 5 lần con số tương đương của Amazon.com. Hơn bất kỳ ai, Dell là người đã chứng minh được tính hiệu quả của Web trong kinh doanh.

Giờ đây, Dell còn đưa mạng lưới kinh doanh của mình lên một tầm cao khác. Trong khi nhiều công ty công nghệ đang tìm cách giảm chi phí, Dell vẫn tập trung vào các công nghệ mới. Gần đây nhất là dự án theo dõi sản phẩm bằng hệ thống RFID. Tại các nhà máy ở Trung Quốc cho đến Texas, các đơn đặt hàng trên mạng sẽ được chuyển thành các tín hiệu vô tuyến. Từ tín hiệu này, các máy lắp ráp tự động của DELL sẽ tính toán, lắp ráp từng linh kiện cho mỗi sản phẩm PC. RFID cũng truyền tín hiệu về bản đồ lắp ráp cho các nhân viên của Dell và theo dõi luôn quá trình chuyển hàng khi sản phẩm hoàn thành. Các nhà quản lý của Dell có thể giám sát được toàn bộ quá trình này qua mạng.

Dell cũng sử dụng hệ thống TMĐT của mình để bán hàng loạt các sản phẩm mới khác, từ PDA, máy in cho đến TV màn hình tinh thể lỏng. Với những hoạt động này, doanh số của Dell đã tăng 16% trong quý gần đây nhất. Nói như M. Dell: “Có rất nhiều cách để Dell phát triển”.

Hoàng Yến
(Theo Businessweek.com)