Trao đổi với TS. Phạm Thị Thu Hằng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Có ý kiến cho rằng khả năng tiếp cận thị trường kém là do doanh nghiệp không có một thương hiệu mạnh và sức cạnh tranh. Hiện Việt Nam đang diễn ra tình trạng nhiều sản phẩm của các công ty có chất lượng tốt, giá rẻ nhưng lại khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại trên thị trường cả nước ngoài lẫn nội địa, ý kiến của bà như thế nào?

Quả thực đúng như vậy. Trong tiến trình hội nhập quốc tế, các doanh nghiệp muốn tồn tại và cạnh tranh trên thương trường thì phải nhanh chóng xây dựng cho sản phẩm doanh nghiệp của mình một thương hiệu mạnh. Thương hiệu đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp và xúc tiến thương mại, tạo cơ hội cho doanh nghiệp thâm nhập và chiếm lĩnh mở rộng thị trường.

Thương hiệu giúp bán giá cao hơn so với các sản phẩm cùng loại chưa có thương hiệu và tạo được lòng tin đối với khách hàng. Trong khi các doanh nghiệp trong nước mới bắt đầu xây dựng thương hiệu, lại còn bị hạn chế chi phí xây dựng thương hiệu, thì các doanh nghiệp nước ngoài đã có nó từ lâu và chỉ việc mang vào Việt Nam mà không phải bỏ ra một đồng chi phí nào. Có thể nói, thương hiệu là tài sản vô hình nhưng cũng là tài sản vô giá của doanh nghiệp.

Để trở thành nổi bật, đương nhiên trong lĩnh vực nào cũng là điều rất khó, càng khó hơn khi đó là lĩnh vực kinh doanh với vô vàn sự cạnh tranh. Bà có thể tiết lộ một vài bí quyết cho doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam?

Không trở thành nổi bật là do doanh nghiệp chưa có chiến lược kinh doanh một cách rõ ràng để tận dụng “ưu thế linh hoạt” của mình. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải tấn công mạnh vào các thị trường ngách, vào việc phát triển những sản phẩm độc đáo để đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội. Hay nói cách khác, xây dựng và bảo vệ thương hiệu của mình, kinh phí dành cho việc xây dựng và quảng bá thương hiệu, nhãn mác chưa được đầu tư đúng mức...

Trong khi đó, một số sản phẩm được coi là có chỗ đứng lại gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì bảo vệ thương hiệu. Ngoài ra, cũng cần phải quan tâm và hiểu biết sâu sắc về môi trường, khả năng xây dựng chiến lược marketing thực thi và khả năng ra quyết định về các chiến lược sản phẩm, giá cả, kênh phân phối, đội ngũ bán hàng... Đặc biệt phải biết tận dụng những cơ hội mà nền kinh tế số mang lại mang tính cạnh tranh trên cơ sở sự thay đổi nhu cầu của thị trường và người tiêu dùng.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên tham gia vào phát triển thương mại điện tử, để có thể giúp họ thu thập thông tin, giảm chi phí, tăng chất lượng phục vụ khách hàng, tăng doanh thu, tạo nên lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Thương mại điện tử cần phải được hiểu rộng hơn, hiểu theo nghĩa là sử dụng công nghệ thông tin để phục vụ cho việc triển khai những ý tưởng kinh doanh, tổ chức tiếp cận thị trường, quản trị doanh nghiệp chứ rộng là việc thực hiện một phần hay toàn bộ quá trình hoạt động kinh doanh thông qua các phương tiện điện tử. Theo nghĩa hẹp thì phương tiện điện tử ở đây chỉ là không chỉ dừng lại ở việc sử dụng Internet trong các giao dịch kinh doanh.

Vậy việc tham gia vào thương mại điện tử có tầm quan trọng như thế nào đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, thưa bà?

Theo kết quả điều tra 504 doanh nghiệp về tình hình ứng dụng thương mại điện tử do Bộ Thương mại tiến hành, trong số doanh nghiệp có website, có 32,8% bước đầu có tính năng hỗ trợ giao dịch thương mại điện tử như hỏi hàng, gửi yêu cầu hoặc đặt hàng trực tiếp.

Ngoài ra có đến 80% số doanh nghiệp chỉ đầu tư dưới 5% chi phí hoạt động triển khai thương mại điện tử. Cũng vì vậy mà 70% doanh nghiệp cho rằng thương mại điện tử đóng góp cho họ dưới 5% doanh thu năm. Bên cạnh đó, đa số doanh nghiệp đánh giá thương mại điện tử đã có tác dụng xây dựng hình ảnh công ty và mở rộng kênh tiếp xúc với khách hàng hiện có.

Rõ ràng thương mại điện tử đóng vai trò rất lớn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, hình như với chủ doanh nghiệp nữ thì lại rất e ngại khi tiếp cận?

Với đặc điểm về giới, các doanh nhân nữ Việt Nam còn chưa tự tin khi tiếp cận với công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, mặt bằng trình độ văn hóa của doanh nhân nữ thấp hơn so với doanh nhân nam nên khả năng tư duy về ứng dụng công nghệ thông tin của họ cũng bị hạn chế.

Tính đến nay, Việt Nam đã có trên 250.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, không kể 3 triệu hộ kinh doanh cá thể, trong đó số doanh nghiệp do nữ làm chủ ước tính khoảng 25-30%. Tôi có thể khẳng định, các doanh nhân nữ đều có tiềm tàng nhiều ý tưởng kinh doanh táo bạo thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, chỉ cần một sự trợ giúp nhỏ là sẽ dẫn tới thành công.

Chúng tôi vừa mới ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn FPT đồng tổ chức Chương trình đào tạo “Thương mại điện tử và các ứng dụng thương mại điện tử trong doanh nghiệp” cho doanh nhân nữ Việt Nam và Chương trình “Phát triển chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp tin học hàng đầu” trong năm 2007. Hy vọng sẽ giúp ích cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và cho doanh nhân nữ Việt Nam.

Nguồn tin: VnEconomy