Những thất vọng không nhỏ Mặc dù vậy, 7 năm sau lời tuyên bố của Barlow không còn nguyên giá trị mà chỉ như một ví dụ quảng cáo rùm beng khác trong thập kỷ 90 cho cơn sốt dotcom. Hoá ra, internet chỉ là một công cụ khác, một phương tiện truyền tin hữu ích mới kiểu đài và vô tuyến chứ không phải cái gì ghê gớm dẫn đến “nền văn minh trí tuệ trong kinh doanh”.

Những đại gia đầu tiên đặt chân vào hoạt động kinh doanh trực tuyến là những hãng danh tiếng như Yahoo và sau đó là Amazon, Buy.com, và eBay, nhưng bằng hàng loạt những cuộc tấn công “chết người”, các hacker đã cho những công ty này nếm mùi khủng hoảng. Và kết quả là tất cả phải tập trung vào tự chữa trị, vá víu những chỗ hổng và “vết thương”, tính toán thiệt hại và gắng tìm những biện pháp phòng tránh trong tương lai. Tất nhiên, việc nâng cấp hệ thống an ninh bảo mật là tất yếu và phải được thực hiện càng nhanh càng tốt. Điểm đáng nhớ của kỷ nguyên Internet là vào giữa những năm 2000, khi cuộc khủng hoảng dotcom xảy ra. Biểu tượng thành công của những hãng nổi danh trong thời gian trước đó mà doanh thu và lợi nhuận được tôn đến tận mây xanh đã sụp đổ, tiền của các công ty này cũng chạy đi nhanh như khi chúng đã từng chạy về túi của họ. Có nhiều lý do để giải thích cho sự thất bại này như các công ty chưa có chiến lược và công nghệ hoàn hảo, khả năng quản lý hoạt động kinh doanh trên mạng chưa hiệu quả nhưng tựu trung lại đều ở một mấu chốt: tất cả đều có thể xảy ra trên thương trường với những hoạt động kinh doanh mới nổi. Bên cạnh đó, công chúng vẫn nhìn nhận việc bán hàng trực tuyến như một thực thể đơn lẻ chứ không phải là tổng hoà của các thành phần khác nhau. Điều này dẫn đến kết quả là nếu một web site phạm phải một sai lầm sẽ lập tức bôi nhọ thanh danh của các nhà bán lẻ trực tuyến nói chung. Nguyên nhân thường nằm ở chỗ các site không hoàn thành hợp đồng một cách trọn vẹn, phơi bày thông tin cá nhân hoặc mắc bất kỳ lỗi nào khác mà họ đã cam kết không mắc phải khi ký kết hợp đồng. Khác với lĩnh vực buôn bán truyền thống: nếu như Sear mắc lỗi thì Kmart không bị tổn hại do lỗi đó gây ra, hoạt động kinh doanh trực tuyến lại có những đặc điểm riêng: nếu Sear.com thất bại, chi nhánh của Kmart, BlueLight.com có thể phải hứng chịu hậu quả.

Với những lý do cùng những thất bại trên, giờ đây, ngay cả những người có uy tín trong thế giới không gian ảo như Barlow cũng mất hết nhiệt huyết và bắt đầu đưa ra những cảnh báo cũng không kém phần phóng đại về sự kìm kẹp internet bởi các lợi ích của chính phủ và doanh nghiệp. Barlow nói rằng: “Sau cuộc khủng hoảng dotcom, rất nhiều khó khăn đã xuất hiện. Với sự trợ giúp của chính phủ, các tập đoàn giải trí lớn đang ra sức kiểm soát mọi thứ và ngày càng một độc quyền hơn. Cuộc chiến cạnh tranh đang ngày một khó khăn hơn với các doanh nghiệp nhỏ”. Lawewnce Lessig, một giáo sư ở Stanford đồng thời là nhà bình luận Internet hàng đầu cũng khải huyền không kém: “Những con khủng long hiện hành đang thành công trong việc bóp nghẹt tính sáng tạo vốn có trong phương tiện truyền thông mới này”.

Có thể, những minh hoạ và so sánh của Barlow, Lessig hay những người đồng hạng thật dễ nực cười, nhưng về cơ bản, tuyên bố của họ cũng có lý: Internet và các công nghệ liên quan có thể thay đổi cả thế giới kinh doanh. Còn quá sớm để nói tới sự kết thúc, cuộc cách mạng máy tính và viễn thông, cha đẻ của Internet, mới chỉ vừa bắt đầu trong lĩnh vực kinh doanh. Những công nghệ này sẽ thay đổi gần như mọi mặt của của các chiến lược kinh doanh từ marketing, quản trị nhân sự đến hoạch định tài chính. Trong một số lĩnh vực kinh doanh, những thay đổi có thể chỉ mang tính bề ngoài, nhưng trong hầu hết khắp các mặt sẽ là những thay đổi mang tính sâu sắc chưa từng thấy xưa nay.

Sự thiết yếu của thay đổi

Dù kết quả có là gì thì mọi chuyện vẫn cứ diễn ra bởi chỉ có công nghệ điện tử mới giải quyết được nhu cầu thiết yếu về thông tin và thị trường mới của các doanh nghiệp. Thị trường Internet vẫn tiếp tục tăng cao dù phần lớn các dotcom đều đã thất bại. Công nghệ hiện hành được ứng dụng ngày một rộng rãi. Theo Vitor Zue, Giám đốc phòng thí nghiệm khoa học máy tính MIT (Học viện công nghệ Massachusetts) thì hoà mạng Internet tốc độ cao sẽ gần như miễn phí trong các nước giàu trong 5 năm tới. Hiện dự án Oxygen do phòng thí nghiệm của ông thực hiện đang xây dựng một văn phòng trên khuôn viên MIT tại Cambridge, văn phòng này sẽ được kết nối để chứng tỏ cho loại hình “máy tính lan toả lấy con người làm trung tâm”, được điều khiển bằng lời nói với sự góp mặt của một số các thiết bị.

Trên các mặt trận khác, Tim Berners Lee, một đồng nghiệp của Zue, người nổi tiếng là một nhà sáng lập ra world wide web, đang tranh thủ sự đồng tình từ liên hiệp các công ty để thiết chế các tiêu chuẩn cho “semantic web” (mạng ngữ nghĩa), một phiên bản thông minh hơn Internet thời nay, góp phần hỗ trợ các hoạt động tìm kiếm thông tin bằng cách ước định văn cảnh của thông tin đó.

Thậm chí, tiếp xúc hữu hình cũng có thể trở thành hiện thực một ngày nào đó trong không gian ảo. Cuối năm ngoái, các nhà khoa học Đại học London và MIT tại Boston đã đưa ra một hệ thống cho phép người sử dụng ở mỗi đầu kết nối điều khiển các đồ vật cùng với nhau hoặc một mình. Các nhà nghiên cứu Microsoft cũng đang tìm kiếm cách cho khách hàng lưu trữ và phân loại các bức ảnh, email, văn bản hay các đoạn hội thoại họ có trong suốt cuộc đời mình.

Internet đã gây nên hàng loạt những vấn đề hóc búa về luật pháp và kinh doanh, nhưng đây mới chỉ là những nếm trải nho nhỏ trước những tình thế khó xử về vấn đề riêng tư, an ninh, tài sản tri thức và bản chất kinh doanh mà các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt trong những thập kỷ tới. Tiến hay thoái, kỷ nguyên kỹ thuật số mới chỉ vừa châm ngòi cho một cuộc chiến đầy cam go.

(Còn tiếp)