CNTT và Thương mại điện tử khiến nhiều khái niệm bị thay đổi, chẳng hạn "đi chợ" sẽ không còn là hình ảnh bà nội trợ xách làn đi siêu thị, mà là các đấng mày râu mặc vét săm soi trước shop online cùng chuột và bàn phím.

Giới trẻ ngày nay thích săm soi các mặt hàng bán trên mạng chẳng kém gì dạo siêu thị shoping. Ảnh Thế Phong
Giới trẻ ngày nay thích săm soi các mặt hàng bán trên mạng chẳng kém gì dạo siêu thị shoping. Ảnh Thế Phong

"Chẳng bao lâu nữa người ta sẽ quen với việc "đi chợ tại nhà", "đi chợ bằng tay" với các siêu thị online và dịch vụ chuyển phát nhanh phát triển. TMĐT sẽ khiến việc mua sắm nghiêng về phe đàn ông chứ không còn là sở thích "độc quyền" của chị em nữa."

Câu nhận định dí dỏm của ông Nguyễn Thanh Hưng (Vụ trưởng Vụ TMĐT - Bộ TM) cùng nhiều nhận xét khả quan về TMĐT tại Việt Nam đã gây ấn tượng mạnh cho những người quan tâm đến lĩnh vực mới mẻ này. Ông Hưng cũng cho rằng vấn đề rào cản trước mắt hiện nay là nhu cầu bảo vệ thông tin cá nhân đang được đặt ra khá cấp thiết nhằm tạo môi trường cho TMĐT phát triển.

"Các doanh nghiệp TMĐT trong nước nên tích cực tham gia Hiệp hội TMĐT để tạo thị trường tốt. "Buôn có bạn, bán có phường", bao gồm cả bán hàng trên mạng!" - Ông Hưng đưa ra thông điệp.

Đứng trên lập trường đại diện cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục ứng dụng CNTT (Bộ TT và TT) cho rằng TMĐT tại Việt Nam "đang có cơ hội rõ ràng nhất từ trước tới nay".

Những nhận định đầy lạc quan về TMĐT trong nước được các nhà lãnh đạo và chuyên gia nêu lên tại buổi lễ khai trương siêu thị trực tuyến Shop 360 diễn ra chiều 31/3/2008. Đây là siêu thị trực tuyến do công ty EBIS xây dựng với khoàng 70 nhân viên và hệ thống đại lý tại nhiều tỉnh thành.

Để minh chứng cho nhận định của mình ông Phúc nói điểm đầu tiên là hành lang pháp lý cho môi trường TMĐT đến nay đã gần như hoàn thiện. Ngoài luật chống thư rác sẽ được ban hành trong tháng tới, (trong đó có những điều khoản chi tiết về bảo vệ thông tin cá nhân), thêm vào đó là Luật TMĐT, Luật CNTT, nghị định chữ ký số và chứng thực số... đều đã có hiệu lực càng khiến môi trường pháp lý cho TMĐT trở nên đầy đủ.

"Thứ hai là hạ tầng viễn thông và CNTT, nhiều chuyên gia từng nói TMĐT khó mà phát triển khi chưa có được khoảng 20 % dân số sử dụng Internet. Và thực tế là những năm qua TMĐT đúng là chưa phát triển như mong muốn là vì thế. Nhưng đến nay, con số thống kê mới nhất cho thấy đã có 19 triệu người dùng Internet, chiếm 22%. Các hình thức chuyển phát nhanh, thanh toán qua ATM, qua điện thoại, thẻ tín dụng thông qua hệ thống POS... cũng đang rất phát triển trên toàn quốc."

Cuối cùng, ông Phúc nói rằng thói quen tiêu dùng và sử dụng các dịch vụ trên mạng Internet tại Việt Nam đã được hình thành và đang phát triển mạnh mẽ.

(Theo VietnamNet)