Muốn mua một mặt hàng nào đó, chỉ cần xem hình cũng như tính năng kèm theo trên website, sau đó gọi đến cửa hàng có website đó để đặt hàng. Từ 10 – 14 ngày sẽ có hàng. Dịch vụ cung cấp hàng xách tay qua mạng ngày càng phổ biến.

Chủ yếu hàng lạ

Tính đến ngày hôm nay, website “hangdoc.com.vn” (phiên bản 2006) đã có 266.153 lượt người truy cập. Chủ nhân của hệ thống này là một người Mỹ gốc Việt. Khi có hàng mới, “bển” sẽ đưa thông tin lên website. Sau khi có đơn hàng từ trong nước, bộ phận kinh doanh bên Mỹ sẽ săn và gởi hàng. Giá thấp nhất trên website này là 25 USD (ổ cứng di động hiệu Toshiba 1GB) cho đến những model máy tính xách tay giá từ 3.000 – 4.000 USD như Asus Lamboghini VS2...

Giám đốc Chiêm Quốc Sơn cho biết, bình quân mỗi tháng, website hangdocdao.vn của doanh nghiệp Thanh Sơn có khoảng 3.000 lượt truy cập! Số lượng trên không phải là nhiều nhưng để có hàng bán ông Sơn phải chủ động đi tìm nguồn hàng độc, mỗi model vài chiếc, sau đó về đưa thông tin và hình ảnh của sản phẩm đó lên trang web của mình. Khi khách muốn mua mặt hàng nào, ông sẽ đặt hàng. Cứ ba tháng một lần, ông Sơn lại qua Nhật Bản hoặc lang thang ở Trung Quốc, Đài Loan để săn nguồn hàng mới.

Trang web hnammobile.com (có cửa hàng tại 89 Trần Quang Khải, Q.1, TP.HCM) cũng là một trong những địa chỉ mua hàng “order” chuyên về những model điện thoại di động chưa có mặt chính thức tại Việt Nam. Ông Nam, chủ website này cho biết: “Sau khi tham khảo những sản phẩm có trên website, nếu có hàng chúng tôi sẽ mời khách lại cửa hàng, còn chưa có hàng sẽ đặt mua hàng cho khách với giá theo thoả thuận sau khi tham khảo giá của nguồn cung cấp hàng”.

Giá cao hơn thị trường

Một website ở Việt Nam bán hàng qua mạng

Anh Huy, làm việc tại địa chỉ 160E Bùi Thị Xuân (một trong ba cửa hàng của website hangdoc.com.vn) cho biết, sau khi khách hàng tham khảo sản phẩm có trên website, muốn đặt hàng, cửa hàng sẽ nhận tiền đặt cọc từ 20 – 30% so với giá được thông báo. Tính ra, giá ở đây cao hơn giá cùng model được bán ra trên thị trường từ 10 – 20%. Biết đắt hơn nhưng vẫn có người mua chỉ vì tin rằng hàng được nhập từ Mỹ tốt hơn cho dù những model này đã ghi rõ “made in China”! Còn tại hangdocdao.com, muốn mua hàng, khách hàng phải đặt trước 30%. Tại hnammobile.com, theo ông Nam, khách hàng cũng phải đặt cọc từ 30 – 35% tuỳ theo giá trị của model đó.

Qua tham khảo thông tin từ các cửa hàng có hình thức mua bán này, thời gian nhận hàng dao động từ 10 – 15 ngày tuỳ theo mặt hàng đó có dễ kiếm hay không. Riêng nhóm hàng điện thoại di động, ông Nam cam kết thời gian giao hàng cao nhất là bảy ngày. Quá thời hạn trên, khách hàng có quyền đòi tiền. “Còn nếu đúng thời gian, đúng cấu hình mà sản phẩm thực tế không giống như hình trên web, khách hàng buộc phải mua, không mua sẽ bị mất tiền cọc”, anh Huy cho biết “quy chế” mua hàng như vậy! Và đây cũng là quy chế chung khi mua hàng xách tay qua mạng.

Dù gọi là hàng xách tay nhưng hầu hết là hàng mới. Thời gian bảo hành tuỳ theo nơi bán chịu trách nhiệm. Ngắn nhất cũng là sáu tháng, còn dài hơn là hai năm. Đây cũng chính là điều mà nhiều khách hàng lo ngại khi mua hàng kiểu này. Chị Ngọc Anh ở Phú Nhuận, TP.HCM cho biết: “Tôi không tiếc tiền khi chọn mua hàng độc nhưng lo ngại chuyện bảo hành. Thời gian bảo hành ngắn quá”. Cũng theo lời chị Ngọc Anh, hangdoc.com nghiêm túc bảo hành dù chỉ là một flash disk nhưng phải tốn thời gian chờ đợi, ít nhất là ba tuần. Tại hangdocdao.com, thời gian bảo hành sản phẩm chỉ từ 6 – 9 tháng, phí bảo hành và cước phí vận chuyển sẽ do doanh nghiệp chịu vì đã được cộng thêm vào giá máy. “Chơi những thứ hàng này mệt mỏi lắm. Cộng đủ loại thời gian, từ khi gởi hàng bảo hành cho đến khi nhận lại hàng, ít nhất cũng là một tháng”, ông Sơn nói.

(Theo SGTT)