So với một chương trình triển lãm diễn ra trong đời thực, ưu điểm của sự kiện tương tự trên mạng kéo dài cả tháng và khách hàng có thể đến từ bất cứ nơi nào trên thế giới. Chi phí của nhà tổ chức và người viếng thăm cũng được tiết kiệm khá nhiều.

Những ngày gần đây, nhiều website thương mại tổ chức hội chợ trực tuyến như chương trình "chất lượng cao", bắt đầu từ 30/4 đến 31/5 tại địa chỉ 25h.vn hay hội chợ thời trang xuân - hè của chodientu.vn kéo dài từ 15/4 đến 15/5... thu hút hàng chục doanh nghiệp tham gia. Trước đó, sự kiện hội chợ thương mại quốc tế VN lần thứ 18 (VIETNAM EXPO 2008) diễn ra trong các ngày 9-13/4 tại Hà Nội cũng đồng thời được online tại tradeshow.com.vn. Theo các nhà tổ chức, đây là kênh mua sắm thích hợp với những doanh nhân, nhân viên văn phòng... vốn không dư giả thời gian đi shopping nhưng có điều kiện lướt web mỗi ngày.

Tại hoicho.25h.vn có 48 gian hàng, với đủ loại mặt hàng từ đồ nội thất, hoa tươi, đồ dùng cho mẹ và bé đến các thiết bị điện tử như máy nghe nhạc, USB... được phân thành các khu A, B, C, D tương đối thuận lợi cho người ghé thăm. Bộ phận hỗ trợ trực tuyến cho biết ai muốn mua sản phẩm nào chỉ cần bấm vào hình ảnh đó rồi điền các thông tin theo yêu cầu, gửi đến ban tổ chức. Sau khi 25h nhận đuợc yêu cầu sẽ liên hệ với khách hàng hẹn thời gian giao dịch. Người ở nội thành có thể nhận hàng trong vòng 25 giờ. Nếu ở ngoại thành, thời gian là 48 giờ. Khi nào nhận hàng người mua mới phải trả tiền. Hội chợ này cũng có tài khoản riêng để khách hàng có thể chuyển khoản vào đó. Hàng hóa bị lỗi hoặc không đúng với trình bày trên web sẽ được người bán nhận lại.

Từ khi "mở cửa", sự kiện này thu hút hơn 7.000 lượt người xem mỗi ngày và trung bình có khoảng hơn 100 đơn hàng được gửi đến trong vòng 24 giờ, thay vì chỉ khoảng 20 yêu cầu, như khi chưa có hội chợ. Doanh nghiệp muốn đăng ký gian hàng tại đây mất chi phí khoảng 5 triệu đồng và có thể trả một nửa bằng tiền mặt, nửa còn lại tính bằng sản phẩm.

Hội chợ thời trang của Chợ điện tử (chodientu.vn) thu hút sự có mặt của 84 doanh nghiệp, chủ yếu là ở Hà Nội và TP HCM. Người bán được khuyến khích tham gia bằng chương trình 1001 gian hàng miễn phí. Từng có kinh nghiệm tổ chức hội chợ Tết tại địa chỉ hoicho-khuyenmai.com, bà Đào Lan Hương, Phó giám đốc của Chợ điện tử, cho biết số lượng thành viên và giao dịch đều tăng trên 30% so với trước khi có hội chợ. "Nếu như tháng 12/2007, giá trị giao dịch trên hệ thống của chúng tôi chỉ khoảng 3 tỷ đồng thì sau khi tổ chức hội chợ, con số này tăng lên tới 12 tỷ đồng vào tháng 1 năm nay. Đây là số liệu được tính trên lệnh đặt hàng cùng các hóa đơn phát sinh", bà Hương cho biết. "Thống kê trong tháng 4 vừa rồi cũng cho con số khả quan là 20 tỷ đồng. Thực tế cũng có một tỷ lệ nhất định giao dịch không thật. Nhưng tốc độ tăng về lệnh đặt hàng và giá trị mua bán qua tài khoản sàn giao dịch tương đương. Chứng tỏ số lượng người quan tâm mua bán trên mạng ngày càng tăng".

Theo nhận định của các nhà tổ chức, hội chợ online ngày càng hấp dẫn với nhiều người vì tiết kiệm được kha khá chi phí "đi chợ" như tiền vé vào cửa, tiền xăng xe, gửi xe... Hơn nữa, sản phẩm trưng bày được cập nhật liên tục, sự nhiều lựa chọn tập trung một chỗ cùng nhiều cơ hội mua hàng giá rẻ, hàng giảm giá... Ngoài ra, không giống như một triển lãm thông thường, hội chợ trực tuyến giúp người mua dù ở đâu trên thế giới cũng có thể ghé vào bất cứ lúc nào.

Anh Phạm Hoàng Dương, một chuyên viên marketing ở Hà Nội, vẫn lướt web hằng ngày với sở thích "săm soi" hàng hóa trên mạng. Theo anh Dương việc mua bán trực tuyến đơn giản song cũng cần có chút kiến thức. "Đi hội chợ ảo sướng ở chỗ có thể tự do lượn lờ, lật đi lật lại một gian hàng, một sản phẩm với thời gian vô định, cân nhắc tính toán thoải mái nhưng lại mất thú sờ nắn, thử và kiểm nghiệm sản phẩm trực tiếp", anh Dương nói. "Vì thế, việc đi chợ mạng chủ yếu dựa vào cảm nhận, kiến thức, kinh nghiệm để đánh giá hàng hóa, tránh những rắc rối sau giao dịch. Ví dụ phải lưu ý đến các vấn đề bảo mật, không giao dịch ở các site không tên tuổi, không rõ nguồn gốc. Khi nhận mail thông báo về tài khoản không nên bấm vào link trực tiếp. Cần kiểm tra bằng cách tự gõ vào trình duyệt để tránh bị phishing".

Nhận định chung của anh Dương và nhiều người từng lang thang hội chợ trên Internet là những sự kiện này chưa thực sự hấp dẫn ở phần hội. Vì thế việc dạo qua những chương trình này cũng không có cảm giác khác mấy so với việc "lướt" các sàn giao dịch thương mại điện tử hằng ngày. Nhưng việc tập trung doanh nghiệp cùng hàng hóa tại một địa chỉ và thời gian nhất định cũng giúp người có nhu cầu thuận tiện hơn trong mua sắm online.

"Ở khía cạnh nào đó, những chương trình hội chợ online đem đến cơ hội cho hoạt động thương mại điện tử vì người tiêu dùng có xu hướng tìm các kênh mua sắm rẻ hơn, nhiều sự lựa chọn hơn. Còn người bán cũng muốn cắt giảm chi phí kinh doanh với kênh quảng bá rẻ hơn, nâng cao hiệu quả buôn bán", anh Dương phân tích.

Nhận định về hoạt động kinh doanh trực tuyến trong bối cảnh nền kinh tế đang có những biến động vì lạm phát, bà Hương cho rằng thương mại điện tử là hướng đi tốt cho cả người mua lẫn người bán vì cho dù tình hình có thế nào thì nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày của mỗi người vẫn không thể thiếu. "Thực tế là dù lạm phát nhưng các giao dịch tại Chợ điện tử đều tăng. Các doanh nghiệp chủ động tìm đến đăng ký gian hàng rất đông. Mỗi ngày chúng tôi nhận được từ 5 đến 10 yêu cầu xây dựng gian hàng trực tuyến. Đó là con số rất đáng mừng", bà Hương tỏ ra lạc quan.

(Theo VnExpress)