Tìm mua hàng trên mạng được trả tiền

By Công Ty Truyền Thông Số iGO

Dịch vụ mới của Microsoft sẽ "hậu tạ" người sử dụng từ 2% đến 30% giá trị món đồ họ mua được nhờ công cụ tìm kiếm Windows Live Search.

Một lệnh tìm kiếm sẽ đưa về nhiều kết quả, trong đó có kết nối đến những doanh nghiệp chào bán sản phẩm/dịch vụ. Hiện Microsoft đã liên kết với hơn 700 hãng bán lẻ cho chương trình này. Họ sẽ "cảm ơn" người dùng Windows Live Search sau 60 ngày - khoảng thời gian chờ để đảm bảo hàng đã mua không bị trả lại.

Còn các hãng bán lẻ sẽ chỉ trả tiền quảng cáo trên Windows Live Search cho Microsoft khi có giao dịch thành công.

Động thái thể hiện chiến lược mới của Microsoft để cạnh tranh với Google trong lĩnh vực tìm kiếm và quảng cáo trực tuyến sau khi kế hoạch liên kết với Yahoo bất thành.

Tuy nhiên, Microsoft mới áp dụng dịch vụ cho thị trường Mỹ.

(Theo Reuters)

 

PayPal sửa lỗi dịch vụ thanh toán trực tuyến

By Công Ty Truyền Thông Số iGO

Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến PayPal cho biết đã khắc phục xong lỗi bảo mật XSS (cross-site scripting) mới được một chuyên gia nghiên cứu bảo mật tiết lộ cuối tuần trước.

Hãng bảo mật Netcraft Ltd cho biết Harry Sintonen đã tiết lộ lỗi với hãng thông qua một dịch vụ “chat” trực tuyến. Chuyên gia nghiên cứu bảo mật này cảnh báo mặc dù XSS không phải là lỗi nguy hiểm như vì website của PayPal sử dụng chứng thực bảo mật Extended Validation (EV) SSL nên đã khiến mức độ nguy hiểm tăng lên bội phần.

Sintonen cho biết lợi dụng lỗi này ông có thể chèn thêm nhiều mã nguồn hoặc bổ sung thêm những thông điệp khác trên màn hình trình duyệt của người dùng.

“Ngay sau khi nhận được thông tin về lỗi bảo mật nói trên, chúng tôi đã khẩn trương nghiên cứu tìm giải pháp khắc phục. Đến nay PayPal xin thông báo lỗi đã được sửa xong,” Michael Olderburg – người phát ngôn của PayPal – cho biết.

“Theo những gì có trong tay, chúng tôi dám khẳng định chưa có bất kỳ vụ tấn công lừa đảo nào được thực hiện thông qua việc khai thác lỗi trên đây”.

XSS là lỗi thường bị tin tặc lợi dụng để ăn cắp thông tin cá nhân hoặc tiến hành lừa đảo người dùng. Nếu khai thác thành công lỗi này tin tặc hoàn toàn có thể chèn thêm nhiều mã nguồn độc hại vào website hợp pháp hoặc sử dụng website đó vào mục đích khác.

Cuối tháng trước website của ứng cử viên thông tổng Mỹ Barack Obama cũng bị phát hiện mắc lỗi XSS. Hacker đã lợi dụng lỗi này để chuyển hướng người dùng truy cập website của ông Obama sang website của bà Hillary Clinton.

(Theo Computerworld)

 

Trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế, rào cản về pháp lý không còn, dịch vụ của các ngân hàng gần tương đương nhau. Việc ứng dụng công nghệ tiên tiến hơn trở thành yếu tố quyết định cuộc chạy đua giành niềm tin khách hàng.

Thanh toán điện tử vẫn tiếp tục "nóng" tại Banking Vietnam 2008, cho dù chủ đề này đã được đề cập trong 3 kỳ hội thảo thường niên về ứng dụng CNTT trong lĩnh vực ngân hàng này.

Theo ông Bùi Quang Tiên, Trưởng ban Thanh toán - NHNN Việt Nam, với khoảng 15 triệu người sử dụng Internet, gần 50 triệu người sử dụng điện thoại di động hiện nay, rõ ràng Internet banking và Mobile banking sẽ là trào lưu phát triển tiếp theo tương tự như phát triển của thẻ thanh toán.

Hiện tại, khái niệm tiền điện tử vẫn là một khái niệm khá mới mẻ tại Việt Nam. Một số doanh nghiệp đã nghiên cứu và đưa ra thị trường loại thẻ thanh toán đa mục đích để chơi game, sử dụng Internet hay mua hàng hóa trên website của doanh nghiệp. Một vài ngân hàng cũng đã bắt đầu đẩy mạnh cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng quan kênh điện tử như Internet banking, Mobile banking.

Phương tiện thanh toán được nhân lên gấp đôi

Những dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cho người tiêu dùng sẽ được các ngân hàng đẩy mạnh trong năm 2008. Đến cuối năm nay, số lượng phương tiện thanh toán điện tử sẽ được đưa vào sử dụng gần gấp đôi so với từ năm 2007 trở về trước. Trong đó, máy rút tiền tự động ATM từ khoảng 4.500 chiếc hiện nay sẽ được đẩy lên 6.889. Thiết bị thanh toán dùng thẻ POS (Point of Sale) lắp đặt tại điểm bán hàng từ 14.858 chiếc lên 29.215 chiếc. Thẻ thanh toán dự kiến phát hành gần 14 triệu chiếc.

Đặc biệt, hai liên minh thẻ lớn nhất Việt Nam hiện nay là Smartlink và Banknetvn sẽ kết nối chính thức với nhau từ ngày 23/5. Liên minh thẻ Smartlink do Vietcombank đứng đầu gồm 29 NH thành viên hiện chiếm khoảng 25% thị phần. Banknetvn do 3 NH lớn gồm Agribank, BIDV và Incombank cùng 4 NHTM CP khác thành lập chiến 70% thị phần. Khi liên kết với nhau, Smartlink và Banknetvn tạo thành hệ thống chiếm tới 95% số thẻ và 70% số máy ATM hiện có. Như vậy, người dân gần như không cần quan tâm đến việc mình dùng thẻ của NH nào, mà chỉ cần đến cột ATM là có thể sử dụng được.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc ứng dụng công nghệ mới sẽ làm việc thanh toán dễ dàng hơn và đó là cơ sở để người dân "mặn mà" hơn với chiếc thẻ. Khi dịch vụ còn chưa thực sự phát triển, người dùng sẽ phải đối mặt với nhiều nỗi lo như: có tiền trong tài khoản mà không được tiêu vì máy hết tiền, nghẽn đường truyền, vấn đề bảo mật, làm quen với những quy trình thanh toán trong mua sắm,... Đó cũng là nguyên nhân nhiều người thường rút hết tiền trong tài khoản thành tiền mặt để tiêu hoặc đi xa phòng trường hợp "không tìm được cột".

Hiện đại hóa cơ sở hạ tầng

Theo thống kê của Cục Nghiệp vụ Tin học Ngân hàng (thuộc NH Nhà nước VN), số lượng lệnh thanh toán qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng năm 2007 đã tăng 40% so với năm 2006, tổng số tiền gian dịch cũng lớn gấp 2 lần (tăng 107%). Bình quân mỗi ngày hệ thống thực hiện từ 35.000 - 45.000 lệnh thanh toán, thời gian thực hiện mỗi lệnh là 10 giây.

Thống kê NHNN VN cho thấy khối lượng những giao dịch thanh toán bằng tiền mặt tuy vẫn chiếm tỷ lệ cao trong tổng những phương tiện thanh toán, mặc dù xu hướng đã giảm dần. Trong khi đó, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt có xu hướng tăng lên. Đặc biệt là ủy nhiệm chi-chuyển tiền (lệnh chi) và thẻ ngân hàng đang có xu hướng tăng mạnh.

Để thúc đẩy hoạt động thanh toán tại Việt Nam, Hệ thống thanh toán điện tử liên NH sẽ được nâng cấp toàn diện. Trung tâm thanh toán Quốc gia (NPSC) và NCSC Backup sẽ được tăng cường trang bị kỹ thuật. 6 trung tâm cấp tỉnh (PPC) sẽ được nâng lên thành trung tâm khu vực (RPC). Toàn bộ hệ thống viễn thông và bảo mật được nâng cấp để có thể hoạt động thông suốt, liên tục, đảm bảo xử lý trên 2 triệu giao dịch mỗi ngày.

NHNN sẽ phối hợp với UBCK Quốc gia để xây dựng và triển khai Đề án chi tiết quyết toán tiền giao dịch chứng khoán tại NHNN. Từ đó kết nối hệ thống quyết toán chứng khoán với hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng.

Đối tượng cung ứng dịch vụ thanh toán cũng được mở rộng. Các tổ chức không phải NH cũng có thể cung cấp một số dịch vụ thanh toán, đặc biệt là các dịch vụ thanh toán điện tử, theo những điều kiện nhất định.

Song song với chương trình thảo luận, trao đổi kinh nghiệm, nhiều tập đoàn công nghệ nước ngoài trình diễn những công nghệ mới nhất tại Banking Vietnam 2008. Đáng chú ý là giải pháp mới nhất của core banking như AMBIT của Sungard, mới được ứng dụng lần đầu tại HDBank, thiết bị ATM thế hệ mới có khả năng thu đổi ngoại tệ, giải pháp mã hóa bảo mật Hybrid Quantum Encryption, máy đếm tiền nhiều mệnh giá lẫn lộn,...

(Theo VietnamNet)

 

Google nới rộng khoảng cách với Yahoo, Microsoft

By Công Ty Truyền Thông Số iGO

Thêm một lý do nữa để các nhà làm luật ra tay ngăn cản liên minh (nếu có) giữa Google với Yahoo.

Thị phần kết hợp của Yahoo và Microsoft trên thị trường tìm kiếm trực tuyến đã rớt xuống dưới ngưỡng 30%, trong khi Google tiếp tục tăng tốc.

Vị thế áp đảo của Google tại Mỹ được củng cố mạnh mẽ trong tháng 4, khi hãng này thu hút tới 61,6% số lượt tìm kiếm - hãng nghiên cứu comScore cho biết.

Như vậy là so với 3 tháng trước, thị phần của Google đã tăng gần 2% (59,8%).

Ở thái cực ngược lại, thị phần của Yahoo đã giảm từ 21,3% xuống còn 20,4%. Tương tự, Microsoft cũng chứng kiến cảnh miếng bánh của mình bị ăn lẹm chút đỉnh, từ 9,4% xuống còn vẻn vẹn 9,1%.

"Với những số liệu mới nhất, người ta có quyền đặt ra câu hỏi là liệu Yahoo có còn xứng đáng với mức giá 33 USD/cổ phiếu mà Microsoft gợi ý ở lần đàm phán cuối cùng hay không, chứ đừng nói đến mức giá 37 USD mà Jerry Yang yêu cầu", một nhà phân tích nhận định.

Chính vì thế, không có gì khó hiểu khi Microsoft tuyên bố lúc này họ không còn hứng thú với việc thâu tóm toàn bộ Yahoo nữa"

Nói như lời Giám đốc điều hành Steve Ballmer của Microsoft thì: "Chúng tôi sẽ không bỏ thầu lần hai cho Yahoo".

Tuy nhiên, Microsoft thừa nhận sẽ vẫn tiếp tục thăm dò các cơ hội hợp tác kiểu khác với Yahoo.

Thị trường chững lại

Theo thông tin ngầm mà báo giới có được, Microsoft đang đề nghị mua bộ phận tìm kiếm cùng một lượng cổ phần nhỏ của Yahoo.

Kịch bản đó có nghĩa là: Microsoft sẽ sáp nhập bộ phận tìm kiếm của Yahoo với hệ thống Live Search, còn Yahoo vẫn độc lập điều hành cổng web và hoạt động quảng cáo ảnh động của mình.

Trong một diễn biến độc lập, hôm qua, Yahoo đã công bố mở rộng chương trình quảng cáo tìm kiếm mang tên Panama sang khu vực châu Á.

Về phần mình, Microsoft lại nảy ra sáng kiến: Hoàn tiền cho người dùng nếu họ mua hàng từ kết quả tìm kiếm Live Search.

Có thể nói, cả Google, Yahoo lẫn Microsoft đều đang tranh giành quyết liệt thị phần, trong bối cảnh thị trường tìm kiếm tại Mỹ đã có phần chững lại và ngừng tăng trưởng.

Theo số liệu của comScore, người dùng Mỹ chỉ tìm kiếm tổng cộng 10,58 tỷ lượt trong tháng 4, giảm nhẹ so với con số 10,77 tỷ hồi tháng 3.

Ngoài 3 ông lớn, hai gương mặt còn lại trong Top 5 là AOL với 491 triệu lượt tìm kiếm và Ask.com với 458 triệu lượt, comScore cho hay.

(Theo Techweb)

 

Bảo vệ hình ảnh doanh nghiệp trên internet

By Công Ty Truyền Thông Số iGO

Internet mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp, nhưng kèm theo đó cũng có không ít phiền toái, đôi khi là thảm hoạ. Trong thời đại số, doanh nghiệp nên học cách xây dựng và bảo vệ thương hiệu trên internet.

Giờ đây, thông tin về hầu hết các doanh nghiệp, cả chính thống và tin bên lề, đều có thể tìm thấy trên internet chỉ sau vài click chuột.

Trên thực tế, không thể “lấy giấy gói lửa”, nhưng ít nhất, các doanh nghiệp cũng có thể phần nào định hướng thông tin về mình trên internet theo hướng tích cực nhất, để những thông tin tốt xuất hiện trên những trang đầu tiên khi khách hàng tìm kiếm tên công ty trên internet.

Tạp chí Business Week đã gợi ý một số giải pháp khá hiệu quả trong việc xây dựng và bảo vệ hình ảnh doanh nghiệp trên internet:

Không lừa dối khách hàng

Trong thời đại số, các ý kiến cá nhân có cơ hội đến với nhiều người hơn và người tiêu dùng cũng dễ kết nối hơn. Do đó, doanh nghiệp nên thận trọng trong việc truyền tải thông tin đến khách hàng. Những sai sót nhỏ có thể “thổi bùng” một làn sóng giận dữ khó kiểm soát. Doanh nghiệp nên cố gắng đưa ra những thông điệp rõ ràng, tránh gây hiểu lầm, trong các chương trình quảng cáo và chính sách doanh nghiệp.

Không “tảng lờ” những chỉ trích

Nếu có khiếu nại của khách hàng, doanh nghiệp nên có hướng giải quyết cụ thể, thay vì im lặng. Việc phản hồi thẳng thắn sẽ giúp những người đọc được khiếu nại đó có thể biết bạn đã giải quyết nó như thế nào.

Thẳng thắn

Nếu xảy ra sự cố, như máy chủ hỏng hay hàng đến trễ, doanh nghiệp nên thừa nhận với khách hàng. Hãy để mọi người biết rằng bạn đang cố gắng khắc phục sự cố, thay vì để khách hàng hoang mang không hiểu căn nguyên sự việc và lên mạng phàn nàn về điều đó.

Lập một diễn đàn dành cho khách hàng

Tại sao lại để khách hàng thể hiện ý kiến nhận xét về công ty bạn ở các trang web nào đó mà bạn không thể kiểm soát. Lời khuyên của Business Week là doanh nghiệp nên lập một diễn đàn để khách hàng có thể thoải mái trao đổi thông tin, như cách mà tập đoàn máy tính Dell đã làm. Diễn đàn có thể trở thành nơi doanh nghiệp trực tiếp nhận và trả lời khiếu nại của khách hàng.

Tận dụng các mạng xã hội

Doanh nghiệp có thể kết nối với khách hàng trên các mạng xã hội lớn nhỏ. Vì đây là nơi tập trung khá đông cộng đồng sử dụng internet, xuất hiện trên một mạng xã hội cũng đồng nghĩa với việc tên doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội xuất hiện trong kết quả tìm kiếm trên internet.

Cung cấp những thông tin hữu ích trên mạng

Doanh nghiệp không nên coi website chỉ là nơi để giới thiệu về doanh nghiệp và sản phẩm. Thay vào đó, hãy cung cấp cho khách hàng một số thông tin hữu ích có liên quan. Việc này có thể góp phần xây dựng một hình ảnh tích cực về doanh nghiệp.

Không spam thư

Doanh nghiệp nên hạn chế việc gửi email một cách “vô tội vạ” cho tất cả khách hàng, vì họ sẽ coi đây là một sự phiền hà, một kiểu “khủng bố” thư, và sẽ có phản ứng tiêu cực.

Thuê luật sư

Trong trường hợp hình ảnh bị bôi nhọ, hoặc xuất hiện thông tin sai lệch trên mạng, đó là lúc doanh nghiệp nên nghĩ tới việc thuê luật sư tư vấn pháp lý để loại bỏ những thông tin đó.

(Theo Business Week)

 

Ứng dụng blog trong kinh doanh

By Công Ty Truyền Thông Số iGO

Có ba loại blog chính: "blog thông tin" theo dõi những sự kiện diễn ra mới nhất về một chủ đề đặc biệt; "blog người viết" là nơi người viết tập trung vào những nội dung ưa thích và giới thiệu những gì mình có, "blog của chúng tôi" là nơi tạo ra những cuộc tranh luận giữa những người viết blog và cộng đồng những người đọc nó. Tuy nhiên, thật ngạc nhiên là các thương hiệu và hoạt động kinh doanh hầu như vắng bóng trong cộng đồng blog.

Xây dựng blog hay không?

Tụt hậu trong một xu thế mới, các nhà kinh doanh đã bỏ lỡ nhiều cơ hội quan trọng để tham gia tích cực vào những cuộc thảo luận trong thế giới online về những gì liên quan đến doanh nghiệp (DN), bỏ qua những cơ hội biến người đọc blog thành khách hàng trung thành. Dưới đây là một số lý do khiến các DN nên sử dụng blog như một vũ khí tiếp thị hữu hiệu:

- DN sẽ được xem là một chuyên gia trong ngành. Nếu DN xây dựng được một blog hay, người đọc sẽ tín nhiệm. Người đọc sẽ phản hồi những suy nghĩ của họ, cung cấp thông tin và xu hướng mới trong lĩnh vực liên quan. Blog của DN sẽ tập hợp quan điểm của người đọc nhiều hơn các website chính thức của DN, tác động đến người đọc "nhẹ nhàng, êm dịu" nhưng hiệu quả. Một blog hấp dẫn thì người đọc sẽ muốn đọc đi đọc lại và chờ cái mới.

- Tạo được sự quan tâm, tin tưởng. Những yếu tố riêng tư trên blog sẽ tạo ra nhiều sự tin tưởng hơn so với website chính thức (formal) của DN, giảm những tác động tiêu cực và tạo hình ảnh DN thân thiện, không cứng nhắc, quan liêu, dễ dàng tiếp cận...

Về bản chất, người ta muốn mua hàng từ người khác chứ không muốn mua hàng từ những công ty không tồn tại bộ mặt, phong cách riêng. Ngoài ra, những lời truyền miệng, rỉ tai rất quan trọng trong quyết định mua bán cả ở trên mạng cũng như ở mỗi cửa hàng. Mọi người tìm kiếm ở những người mà họ tin tưởng những góp ý đối với hàng hóa sẽ mua. Từ đó, DN có thể tác động đến quyết định mua hay bán của người đọc blog...


- Trở thành một địa chỉ tìm kiếm yêu thích. Kết nối đến những website hiện không tạo hấp dẫn đặc biệt với người đọc. Một blog được kết nối cả về số lượng và chất lượng sẽ quyến rũ người đọc. Không kết nối nào sánh được với kết nối vô hình (miễn phí) cho người đọc thỏa sức tìm tin. Cộng đồng blog kết nối mỗi thành viên tới blog của họ, với blog người đọc ưa thích... Họ theo dõi những phản hồi hàng ngày, hàng giờ trên blog.

Cơ hội đang ở phía trước

Blog không chỉ là một thú vui nhất thời. Theo một điều tra của Mỹ, 1 trên 5 bạn trẻ trong lứa tuổi từ 12 đến 17 đang duy trì blog riêng. Blog hiện không chỉ dành cho lớp trẻ mà cho mọi tầng lớp từ những ngôi sao nghệ thuật, chính trị gia... đến nhà báo...!

Mỗi giây, thế giới có thêm một trang blog. Các blog này muốn thu hút và giữ được nhiều người xem thì luôn phải cập nhật thông tin, sự kiện mới nhất ở lĩnh vực người đọc, người viết thông thạo, thích thú hoặc cộng đồng quan tâm. Blogger.com có hơn 200.000 blog đang hoạt động với hơn 1 triệu người đang sử dụng.


Blog đang trở thành một kênh "tổ chức truyền thông" và ảnh hưởng của blog đến cộng đồng ngày càng lớn. Blog cùng với báo chí và Internet đang được coi là những phương tiện truyền thông đại chúng hữu hiệu. Trong kinh doanh, sức mạnh số lượng thật khủng khiếp. Người tìm kiếm blog để khám phá các nhân tố bên trong con người, trong mỗi công ty và giúp giải phóng những ý tưởng và tạo ra ảnh hưởng.

Những nhân viên tiếp thị sẽ sử dụng blog như một công cụ hữu hiệu. Một trong những điểm khiến mọi người cảm thấy Internet nhàm chán là họ chưa thấy hết yếu tố nhân bản ở các website và khi thoát khỏi chúng, họ luôn bị ám ảnh theo kiểu: "Chúng ta có nhận được phản hồi không và sẽ phải làm gì với những phản hồi như vậy?". Nhưng, dù thế nào, mỗi ngày, hàng tỷ con người vẫn đang tìm kiếm trên mạng... Vì thế, một số DN tiên phong sẽ nắm bắt cơ hội này.

Kinh nghiệm lập Blog cho DN

- Viết ra những gì định đưa (post) lên blog để làm gia tăng sự hấp dẫn khi kết nối với những ý tưởng ban đầu của DN. Không cần phải đầy đủ hay chính thức như một thông cáo báo chí mà là để trao đổi ý kiến. Tận dụng những cuộc đối thoại, để quan điểm của DN được mọi người biết đến. Động viên mọi người tham gia, đồng ý để người đọc góp ý vào những gì đã post. Thường xuyên cập nhật blog, trung bình post nội dung mới vài lần một tuần, nhiều thì tốt hơn và luôn nâng cấp khả năng tìm kiếm trên mạng. Sử dụng những dịch vụ blog hay những phần mềm hỗ trợ để duy trì blog của DN thuận tiện, hấp dẫn.

- Cung cấp những đường dẫn đa dạng đến blog của DN để mọi người có thể tìm kiếm những bài đã post hay catalogue chủ đề ưa thích, thậm chí, kết nối (link) Top 10 những blog hay nhất tại trang chủ... Đăng ký với nhiều niên giám blog khác nhau và tham gia nhiều hơn vào các cộng đồng blog. Lập một RSS để người không đăng ký tham gia blog vẫn đọc được nó; hãy chắc chắn rằng blog sẽ tiếp cận được với người đăng ký, đọc và kết nối. Để người đọc tham gia cập nhật blog bằng e-mail, tạo một cơ chế cho phép người dùng sử dụng blog theo cách họ ưa thích.

- Đừng ngại khi ai đó muốn giúp bạn. Đó là một kỹ năng mà người viết blog cần có để tạo nên một blog hiệu quả. Có thể mời những người làm blog chuyên nghiệp giúp bạn nghiên cứu những chủ đề và làm nháp những bài sẽ post. Khi DN muốn một điều gì, hãy công bố cho mọi người biết. Đừng nghĩ độc giả không biết gì. Hãy để mọi người tham gia blog của mình. Luyện óc phán đoán và bình tĩnh. Đừng sợ lộ thông tin và ngại tin đồn thất thiệt. Hãy để mọi người nói về mọi thứ cho dù với giọng điệu chê bai hay vu khống, linh tinh... Hãy tự tin kết nối với tất cả, đối thoại với tất cả.

(Theo SieuDichVu)

 

Google đoạt ngôi website No 1 tại Mỹ

By Công Ty Truyền Thông Số iGO

Lần đầu tiên kể từ khi ra đời đến nay, gã khổng lồ tìm kiếm đã vượt mặt Yahoo để trở thành website được ưa chuộng và đắt khách nhất tại Mỹ, hãng nghiên cứu comScore cho biết.

Đã là thương hiệu web số 1

Tuy thống trị thị trường tìm kiếm Internet từ nhiều năm nay, tuy nhiên, lượng công chúng của Google vẫn thua xa Yahoo khi xét tới các dịch vụ khác như email hoặc chia sẻ ảnh.

Dịch vụ email miễn phí do Google cung cấp mang tên Gmail hiện chỉ đứng thứ 5 về thị phần tại Mỹ, sau cả Hotmail lẫn AOL Mail.

Tương tự, Flickr (mà Yahoo thâu tóm hồi năm ngoái) cũng là dịch vụ chia sẻ ảnh trực tuyến đầu bảng hiện nay.

Mặc dù vậy, theo số liệu thống kê lượng người truy cập trong tháng 4 vừa qua của comScore, lần đầu tiên Google chễm chệ ở vị trí số 1.

Kết quả này tỏ ra trùng khớp với số liệu trước đó của Nielsen Online, vốn cũng khẳng định Google là thương hiệu Web đầu bảng.

"Lượng người dùng Mỹ ghé thăm các website của Google trong tháng 4 đạt 141,8 triệu, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2007.

Trong khi ấy, công chúng của Yahoo chỉ tăng 7%, đạt 140,6 triệu người. Microsoft đứng ở vị trí thứ 3 với 121 triệu khách truy cập".

Hiệu ứng dây chuyền

Theo comScore, lý do chính giúp Google qua mặt Yahoo, một "cây đa cây đề" trong làng web là vì: sự thống trị của hãng trên địa hạt tìm kiếm đã tạo ra hiệu ứng dây chuyền, kích cầu và hút khách về cho các dịch vụ khác.

Hiện Google đang rất tích cực mở rộng dịch vụ chia sẻ ảnh trực tuyến Picasa để cạnh tranh với Flickr.

Hãng cũng vừa khai trương một website riêng về tài chính và quan trọng nhất, Google hiện đang sở hữu website chia sẻ video số một thế giới - YouTube.

Mặc dù Google chưa tìm ra cách kiếm tiền hiệu quả nhất từ YouTube, song không thể phủ nhận sức hấp dẫn khó cưỡng của website này đối với đông đảo người dùng Internet.

Giám đốc điều hành Eric Schmidt của Google đã xác định "thu hút quảng cáo trên YouTube" chính là ưu tiên hàng đầu trong năm 2008.

Về phần mình, Yahoo cũng đang cố gắng mở rộng thị phần trên thị trường video trực tuyến béo bở, bằng cách bổ sung thêm tính năng video cho Flickr.

Yahoo hy vọng cộng đồng người dùng trung thành của Flickr, với những đặc thù riêng, sẽ cạnh tranh được với YouTube.

Nhiều nhưng không sâu?

Một điểm Google cần lưu ý là tuy thua kém số lượng visitor, song Yahoo vẫn dẫn đầu về lượng hit.

Điều này có nghĩa là người dùng Yahoo ghé thăm website của hãng thường xuyên hơn, hoặc giả là dành nhiều thời gian để đọc và lang thang trên đó hơn.

Đại đa số người dùng chỉ truy cập vào website của Google để thực hiện thao tác tìm kiếm đơn giản, sau đó nhanh chóng click vào đường link kết quả để chuyển sang site khác.

Cụ thể, Yahoo có 33,6 tỷ trang web được xem, so với con số 28,7 tỷ trang của Google.

Nhưng dù sao, việc comScore kết luận Google là website ăn khách số 1 tại Mỹ hiện nay cũng là sự an ủi lớn cho gã khổng lồ tìm kiếm.

Tháng 2 vừa qua, bản báo cáo của comScore cho rằng hiệu quả quảng cáo trên Google đang suy giảm đã khiến cổ phiếu hãng này lao đao suốt vài tuần.

Phố Wall lo ngại rằng bối cảnh kinh tế Mỹ u ám có thể gây tác động xấu đến luồng tiền quảng cáo đổ cho Google.

Tuy nhiên, hãng vẫn thành công trong việc gây bất ngờ cho giới phân tích, khi lợi nhuận quý I tăng trưởng tới 30% so vời cùng kỳ năm trước.

(Theo AP)

 

So với một chương trình triển lãm diễn ra trong đời thực, ưu điểm của sự kiện tương tự trên mạng kéo dài cả tháng và khách hàng có thể đến từ bất cứ nơi nào trên thế giới. Chi phí của nhà tổ chức và người viếng thăm cũng được tiết kiệm khá nhiều.

Những ngày gần đây, nhiều website thương mại tổ chức hội chợ trực tuyến như chương trình "chất lượng cao", bắt đầu từ 30/4 đến 31/5 tại địa chỉ 25h.vn hay hội chợ thời trang xuân - hè của chodientu.vn kéo dài từ 15/4 đến 15/5... thu hút hàng chục doanh nghiệp tham gia. Trước đó, sự kiện hội chợ thương mại quốc tế VN lần thứ 18 (VIETNAM EXPO 2008) diễn ra trong các ngày 9-13/4 tại Hà Nội cũng đồng thời được online tại tradeshow.com.vn. Theo các nhà tổ chức, đây là kênh mua sắm thích hợp với những doanh nhân, nhân viên văn phòng... vốn không dư giả thời gian đi shopping nhưng có điều kiện lướt web mỗi ngày.

Tại hoicho.25h.vn có 48 gian hàng, với đủ loại mặt hàng từ đồ nội thất, hoa tươi, đồ dùng cho mẹ và bé đến các thiết bị điện tử như máy nghe nhạc, USB... được phân thành các khu A, B, C, D tương đối thuận lợi cho người ghé thăm. Bộ phận hỗ trợ trực tuyến cho biết ai muốn mua sản phẩm nào chỉ cần bấm vào hình ảnh đó rồi điền các thông tin theo yêu cầu, gửi đến ban tổ chức. Sau khi 25h nhận đuợc yêu cầu sẽ liên hệ với khách hàng hẹn thời gian giao dịch. Người ở nội thành có thể nhận hàng trong vòng 25 giờ. Nếu ở ngoại thành, thời gian là 48 giờ. Khi nào nhận hàng người mua mới phải trả tiền. Hội chợ này cũng có tài khoản riêng để khách hàng có thể chuyển khoản vào đó. Hàng hóa bị lỗi hoặc không đúng với trình bày trên web sẽ được người bán nhận lại.

Từ khi "mở cửa", sự kiện này thu hút hơn 7.000 lượt người xem mỗi ngày và trung bình có khoảng hơn 100 đơn hàng được gửi đến trong vòng 24 giờ, thay vì chỉ khoảng 20 yêu cầu, như khi chưa có hội chợ. Doanh nghiệp muốn đăng ký gian hàng tại đây mất chi phí khoảng 5 triệu đồng và có thể trả một nửa bằng tiền mặt, nửa còn lại tính bằng sản phẩm.

Hội chợ thời trang của Chợ điện tử (chodientu.vn) thu hút sự có mặt của 84 doanh nghiệp, chủ yếu là ở Hà Nội và TP HCM. Người bán được khuyến khích tham gia bằng chương trình 1001 gian hàng miễn phí. Từng có kinh nghiệm tổ chức hội chợ Tết tại địa chỉ hoicho-khuyenmai.com, bà Đào Lan Hương, Phó giám đốc của Chợ điện tử, cho biết số lượng thành viên và giao dịch đều tăng trên 30% so với trước khi có hội chợ. "Nếu như tháng 12/2007, giá trị giao dịch trên hệ thống của chúng tôi chỉ khoảng 3 tỷ đồng thì sau khi tổ chức hội chợ, con số này tăng lên tới 12 tỷ đồng vào tháng 1 năm nay. Đây là số liệu được tính trên lệnh đặt hàng cùng các hóa đơn phát sinh", bà Hương cho biết. "Thống kê trong tháng 4 vừa rồi cũng cho con số khả quan là 20 tỷ đồng. Thực tế cũng có một tỷ lệ nhất định giao dịch không thật. Nhưng tốc độ tăng về lệnh đặt hàng và giá trị mua bán qua tài khoản sàn giao dịch tương đương. Chứng tỏ số lượng người quan tâm mua bán trên mạng ngày càng tăng".

Theo nhận định của các nhà tổ chức, hội chợ online ngày càng hấp dẫn với nhiều người vì tiết kiệm được kha khá chi phí "đi chợ" như tiền vé vào cửa, tiền xăng xe, gửi xe... Hơn nữa, sản phẩm trưng bày được cập nhật liên tục, sự nhiều lựa chọn tập trung một chỗ cùng nhiều cơ hội mua hàng giá rẻ, hàng giảm giá... Ngoài ra, không giống như một triển lãm thông thường, hội chợ trực tuyến giúp người mua dù ở đâu trên thế giới cũng có thể ghé vào bất cứ lúc nào.

Anh Phạm Hoàng Dương, một chuyên viên marketing ở Hà Nội, vẫn lướt web hằng ngày với sở thích "săm soi" hàng hóa trên mạng. Theo anh Dương việc mua bán trực tuyến đơn giản song cũng cần có chút kiến thức. "Đi hội chợ ảo sướng ở chỗ có thể tự do lượn lờ, lật đi lật lại một gian hàng, một sản phẩm với thời gian vô định, cân nhắc tính toán thoải mái nhưng lại mất thú sờ nắn, thử và kiểm nghiệm sản phẩm trực tiếp", anh Dương nói. "Vì thế, việc đi chợ mạng chủ yếu dựa vào cảm nhận, kiến thức, kinh nghiệm để đánh giá hàng hóa, tránh những rắc rối sau giao dịch. Ví dụ phải lưu ý đến các vấn đề bảo mật, không giao dịch ở các site không tên tuổi, không rõ nguồn gốc. Khi nhận mail thông báo về tài khoản không nên bấm vào link trực tiếp. Cần kiểm tra bằng cách tự gõ vào trình duyệt để tránh bị phishing".

Nhận định chung của anh Dương và nhiều người từng lang thang hội chợ trên Internet là những sự kiện này chưa thực sự hấp dẫn ở phần hội. Vì thế việc dạo qua những chương trình này cũng không có cảm giác khác mấy so với việc "lướt" các sàn giao dịch thương mại điện tử hằng ngày. Nhưng việc tập trung doanh nghiệp cùng hàng hóa tại một địa chỉ và thời gian nhất định cũng giúp người có nhu cầu thuận tiện hơn trong mua sắm online.

"Ở khía cạnh nào đó, những chương trình hội chợ online đem đến cơ hội cho hoạt động thương mại điện tử vì người tiêu dùng có xu hướng tìm các kênh mua sắm rẻ hơn, nhiều sự lựa chọn hơn. Còn người bán cũng muốn cắt giảm chi phí kinh doanh với kênh quảng bá rẻ hơn, nâng cao hiệu quả buôn bán", anh Dương phân tích.

Nhận định về hoạt động kinh doanh trực tuyến trong bối cảnh nền kinh tế đang có những biến động vì lạm phát, bà Hương cho rằng thương mại điện tử là hướng đi tốt cho cả người mua lẫn người bán vì cho dù tình hình có thế nào thì nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày của mỗi người vẫn không thể thiếu. "Thực tế là dù lạm phát nhưng các giao dịch tại Chợ điện tử đều tăng. Các doanh nghiệp chủ động tìm đến đăng ký gian hàng rất đông. Mỗi ngày chúng tôi nhận được từ 5 đến 10 yêu cầu xây dựng gian hàng trực tuyến. Đó là con số rất đáng mừng", bà Hương tỏ ra lạc quan.

(Theo VnExpress)

 

Với công nghệ Web 2.0 tăng cường khả năng kết nối cộng đồng, các trang này có thể kiếm hàng triệu USD từ quảng cáo khi tạo không gian cho doanh nghiệp nói chuyện trực tiếp với người sử dụng về sản phẩm và những chiến dịch khuyến mại.

Lâu nay, quảng cáo dù xuất hiện trên… bờ tường hay trên báo in, truyền hình, báo điện tử đều ở dạng “Chúng tôi nói về chúng tôi” mà thiếu kênh phản hồi trực tiếp với khách hàng. Những thắc mắc hay ý kiến của họ thường phải thông qua hệ thống thư từ, thư điện tử, điện thoại; các phàn nàn, khiếu nại phải nhờ đến báo chí, hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng…

Nhưng các công nghệ Internet đã gỡ bỏ rào cản giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp khi cho họ cơ hội trao đổi nhanh chóng trên các website, hình thành nên khái niệm mới là “quảng cáo tương tác trực tuyến”. Theo đó, công ty sẽ đăng ký vị trí trên một trang web có nhiều người tham gia để trò chuyện với người tiêu dùng, khách hàng tiềm năng về những chủ đề như sản phẩm, dịch vụ, giải quyết các thắc mắc... Những nội dung đó được lưu giữ và công khai để bất kỳ ai cũng có thể đọc và phản hồi.

Diễn đàn là nơi chứng kiến mô hình quảng cáo này đầu tiên ở Việt Nam, đáng kể nhất là mạng Trái tim Việt Nam Online với "box" mua sắm và khu vực riêng trên muare.vn. Các doanh nghiệp như công ty máy tính Trần Anh đăng ký hình thức “dính topic” ở vị trí cố định trên diễn đàn này để chủ đề của họ tạo ra không bị “trôi” sang trang khác khi có topic mới được lập.

Dù vậy, cấu trúc và tiện ích của diễn đàn dường như không đủ để người dùng quản lý, tìm kiếm thông tin, thể hiện cá tính. Ví dụ, loạt bài viết về một chủ đề bị dàn trải lẫn giữa phần bình luận của các thành viên, hoặc nếu tách riêng thành thread (bài viết) mới sẽ bị trôi giữa nhiều bài viết khác.

6 tháng qua, mạng xã hội Cyworld Việt Nam (một phiên bản của Cyworld Hàn Quốc) đã thử nghiệm hình thức quảng cáo tương tác cho một số doanh nghiệp. Các công ty sẽ đăng ký tên tham gia (nickname) vào mạng này sở hữu một “Myhome” (ngôi nhà ảo của riêng họ, được quyền trang trí bằng hình ảnh, phát ngôn theo chủ đề) và “kết bạn” với những thành viên khác để quảng bá sản phẩm. Lúc này, doanh nghiệp như một người “hàng xóm”, cũng viết blog chia sẻ niềm vui, nỗi buồn hay thông báo kế hoạch mới, đăng ảnh, video... vào bộ sưu tập riêng, đi “comment” (bình luận) cho bạn bè, tổ chức các cuộc thi, câu lạc bộ…

“Giao tiếp với các khách hàng tiềm năng theo cách này sẽ khiến họ cảm thấy tự nhiên hơn, không bị áp đặt quảng cáo”, ông Park Han-Seok, Giám đốc kinh doanh công ty mỹ phẩm LG Vina, cho biết. “Những phản hồi trực tiếp ngay trên trang web giúp chúng tôi nắm bắt được nhu cầu thực sự của người tiêu dùng và gắn bó lâu dài với họ. "Hiện “ngôi nhà” dành cho mỹ phẩm Lacvert Essance của công ty trên mạng Cyworld đã thu hút 116.335 lượt ghé thăm, 2.375 “hàng xóm”, 6.000 bình luận của người xem.

Ông Eric JongBeom Jang, Phó Chủ tịch Cyworld Việt Nam, cho biết triển vọng kiếm tiền từ quảng cáo hai chiều này rất lớn. Tại xứ sở kim chi, doanh thu của Cyworld Hàn Quốc tăng hơn 300% trong 4 năm kể từ khi bắt đầu áp dụng mô hình vào năm 2003. Trong đó, năm 2003 họ đạt 12,4 triệu USD, năm 2004 đạt 24,7 triệu USD; con số này tăng lên 37,1 triệu USD năm 2005 và 47,3 triệu USD năm 2007. Còn tại Việt Nam, Cyworld đang kỳ vọng vào hình thức này khi ước tính quảng cáo trên mạng xã hội trong nước sẽ tăng 200%/năm và có những khách hàng đầu tiên như công ty mỹ phẩm LG Vina, Pizzahut, Galaxy-Hot Kiss (phim Nụ hôn thần chết), công ty đào tạo người mẫu TSquared Media.

Trên thế giới, các mạng xã hội khổng lồ với hàng chục triệu thành viên như MySpace, Facebook… cũng áp dụng mô hình quảng cáo tương tác. Điều này giúp hình thành nên một vị trí công việc mới là “PR trực tuyến” trong các công ty cần quảng cáo. Những người này ngoài việc am hiểu sản phẩm và chính sách của công ty còn phải học cách trò chuyện với cộng đồng bằng ngôn ngữ, điệu cười, smiley mang phong cách dân dã đặc trưng của "thời @" và nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng đến từng phút.

Nhưng khi chọn lựa quảng cáo tương tác, doanh nghiệp đối diện với không ít khó khăn. Do mọi phản hồi đều xuất hiện ngay trên mặt trang web nên họ sẽ phải xác định trước là có lời khen, tiếng chê, thậm chí xúc phạm. Lúc này, ngoài sự khéo léo của PR, công ty chỉ có thể giữ uy tín bằng chính chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Ngoài ra, vì bất kỳ ai cũng có thể lập nickname để tham gia phản hồi nên đối thủ có thể dựa vào đó để “đánh” bằng nhiều hình thức và doanh nghiệp cần phải chấp nhận “lửa thử vàng”.

(Theo VnExpress)

 

Chia tay Yahoo, Microsoft “tán” FaceBook

By Công Ty Truyền Thông Số iGO

Sau thất bại trên bàn đàm phán với “biểu tượng Internet”, gã khổng lồ phần mềm đang xem xét tiềm năng của trang web xã hội để tính đến chuyện sáp nhập toàn bộ Facebook. Một bài báo trên tờ Wall Street Journal cho hay.

Theo Wall Street Journal, ban lãnh đạo của Microsoft đã phát tín hiệu với Facebook thể hiện mong muốn được “kết duyên”. Tháng 10 năm ngoái, Microsoft đã chi 240 triệu USD mua lại 1,6% cổ phần của Facebook.

Tuy nhiên, phát ngôn viên Brandee Barker của Facebook từ chối bình luận về thông tin này. Microsoft cũng không vội vàng lên tiếng. Theo một nguồn tin đáng tin cậy, hiện tại vẫn chưa có cuộc đàm phán nào giữa hai bên.

Thông tin thú vị này xuất hiện sau vài ngày thương vụ lịch sử giữa Microsoft và Yahoo chấm dứt mà không mang lại kết quả nào.

Động thái này thể hiện tham vọng cực lớn của Microsoft muốn chiếm thị phần của Google trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến.

Tuy nhiên, Zuckerberg đã từng lên tiếng nói rằng ông sẽ không bán toàn bộ công ty. Mới đây, Zuckerberg đã ký hợp đồng thuê các chuyên gia cao cấp, chứng tỏ nhà tỷ phú trẻ tuổi này muốn được hoạt động độc lập.

Trang xã hội Facebook thành lập từ năm 2004 do chàng sinh viên ĐH Harvard Mark Zuckerberg. Facebook hiện là một trong những site chia sẻ nổi tiếng nhất trong cộng đồng Interrnet nhờ tốc độ tăng trưởng và sự tín nhiệm của các thành viên. Facebook hiện có hơn 70 triệu thành viên tích cực.

Từ chối Microsoft, Yahoo thêm đau đầu

Việc Yahoo đòi tăng giá bán đã buộc Microsoft lùi bước rút lại đề nghị sáp nhập hai ông lớn trong lĩnh vực Internet. Tuy nhiên, sau khi tập đoàn của Bill Gates ra đi thì Yahoo phải đương đầu với những khó khăn mà họ tự gây nên. Ban quản trị của Google không thống nhất ý kiến về việc có nên tiếp tục theo đuổi thương vụ tìm kiếm-quảng cáo với Yahoo.

Ngoài ra, các cuộc đàm phán giữa Yahoo và Time Warner vẫn diễn ra nhưng theo một người am hiểu kế hoạch này, cả hai bên sẽ không vội vàng ký kết hợp đồng sau khi Microsoft từ bỏ ý định thâu tóm Yahoo. Yahoo và Time Warner đang xem xét việc hợp nhất AOL và Yahoo.

Liệu rằng Facebook có mang lại nguồn lợi quảng cáo trực tuyến cho Microsoft? Chúng ta hãy chờ xem!

(Theo Reuters, Moneyweb)

 

Yahoo thử nghiệm kết quả tìm kiếm 3-trong-1

By Công Ty Truyền Thông Số iGO

Gã khổng lồ Web đang thời kỳ lao đao đã chọn Ấn Độ làm nơi thử nghiệm ý tưởng tìm kiếm mới nhất của mình: từng trang kết quả sẽ là sự kết hợp của chữ, hình ảnh và video clip.

Hiện tại, dự án mang tên Glue Pages Beta này mới chỉ áp dụng cho một số từ khóa nhất định thuộc các lĩnh vực như y tế - sức khỏe, thể thao, giải trí, du lịch, công nghệ và tài chính.

"Dồn về một mối"

Kết quả tìm kiếm dạng mới sẽ được hiển thị song song với kết quả tìm kiếm thông thường để người dùng lựa chọn và "quen mắt dần", đại diện Yahoo cho biết.

"Sở dĩ Ấn Độ được chọn triển khai thử Glue Pages là vì đây là một thị trường rất quan trọng đối với Yahoo. Ấn Độ có tốc độ tăng trưởng người dùng mới chóng mặt, nội dung bản địa phong phú và sở hữu một cộng đồng phát triển đông đảo, tài năng...

Những chuyên gia tự nguyện này có thể xây dựng ra nhiều ứng dụng hấp dẫn dựa trên nền tảng công nghệ có sẵn của Yahoo", ông Tapan Bhat, Phó Chủ tịch cấp cao của Yahoo cho biết.

Đó là chưa kể Yahoo còn có một trung tâm nghiên cứu và phát triển trọng yếu tại Bangalore - Thung lũng Silicon của Ấn Độ.

Mặc dù e-mail hiện vẫn là ứng dụng phổ biến nhất của Yahoo tại Ấn Độ, song tìm kiếm cũng đang dần cải thiện vị thế và vai trò của nó.

Quan trọng nhất, Ấn Độ cũng là thị trường mà công cụ tìm kiếm Google chưa thực sự thống trị một cách áp đảo, đồng nghĩa với việc Yahoo vẫn còn cơ hội rất lớn để lật ngược thế cờ.

"Công nghệ tìm kiếm đã phát triển như vũ bão suốt thời gian qua, tuy nhiên không gian cho sự sáng tạo và cải tiến vẫn còn rất rộng.

Glue Pages sẽ giúp "kéo" tất cả thông tin mà người dùng quan tâm về một trang web duy nhất", tiết kiệm đáng kể thời gian và công sức tìm kiếm cho họ".

"Chiêu bài" xoa dịu dư luận?

Nếu chương trình beta này thành công, Yahoo sẽ tiếp tục triển khai Glue Pages tại nhiều nước khác, ông Bhat cho hay.

Thời gian gần đây, Yahoo liên tục công bố các sáng kiến, dịch vụ và sản phẩm mới - dù chưa có ý tưởng nào thực sự là "bom tấn" chấn động.

Theo giới phân tích, việc Yahoo đột nhiên tích cực đến vậy là để nhắm xoa dịu búa rìu của dư luận và các cổ đông, khi ban giám đốc hãng này liên tục từ chối lời đề nghị mua lại của gã khổng lồ phần mềm Microsoft.

"Yahoo muốn chứng tỏ với công chúng là họ vẫn đủ sức tồn tại như một công ty độc lập.

Hãng cũng muốn chứng tỏ là sức sống, năng lượng và khả năng sáng tạo của đội ngũ kỹ sư Yahoo vẫn rất dồi dào.

Chỉ có thế thì lý do "Microsoft đã định giá chúng tôi quá thấp" mà Jerry Yang đưa ra mới không trở nên buồn cười", một chuyên gia bình luận.

Song song với việc cải tiến công nghệ tìm kiếm của riêng mình, Yahoo cũng đang thử nghiệm "outsource" hoạt động kinh doanh tìm kiếm sang cho Google.

Từng là một đối thủ từng không đội trời chung với Yahoo nhưng hiện tại, Google sẽ cung cấp quảng cáo tìm kiếm trên 3% diện tích mặt site của Yahoo.

(Theo AP, Reuters)

 

Sau khi thương vụ thâu tóm Yahoo đổ vỡ, giờ đây Microsoft lại phải đối mặt với bài toán muôn thuở: làm thế nào để biến MSN và nhóm dịch vụ Live thành ra "sát thủ Google".

Trước ngày 1/2/2008, Microsoft chắc mẩm rằng việc mua lại Yahoo sẽ giúp lượng truy cập vào các trang web và dịch vụ trực tuyến của hãng gia tăng đột biến, chóng vánh.

Kế hoạch C - có hay không?

Thế nhưng sự cứng đầu của Yahoo đã khiến Giám đốc điều hành Steve Ballmer bực tức và mất hết kiên nhẫn.

Ballmer đã quyết định xoay lưng đi thẳng và dồn sức cho một những sự lựa chọn khác khả thi hơn, hợp lý hơn.

Vấn đề là suốt từ hôm Chủ nhật (ngày mà Ballmer chính thức rút lại lời đề nghị mua lại Yahoo) tới giờ, Microsoft hầu như rất kín tiếng về cái gọi là "Kế hoạch C" của hãng.

Trong tình thế đó, giới phân tích buộc phải dựa vào những manh mối nhỏ nhặt, vụn vặt trong tay để đoán già đoán non xem cái đầu "ít tóc" của Ballmer đang ấp ủ ý định gì.

Nhiều người không ngần ngại nói thẳng: Họ không nghĩ Microsoft còn có sự lựa chọn nào khác. Một số khác thận trọng hơn khi hoài nghi việc Microsoft có thể "tự mình tiến lên phía trước, đơn thương và độc mã".

Ngay cả mục tiêu của "Kế hoạch C" cũng không rõ ràng. Người thì cho rằng Microsoft buộc phải tăng lưu lượng tìm kiếm để thu hút dòng tiền quảng cáo.

Người lại tin Microsoft sẽ nhường thị trường lại cho Google để dồn sức tìm kiếm "hạnh phúc nơi khác", chẳng hạn như quảng cáo di động và quảng cáo ảnh động.

Điều duy nhất rõ ràng là Microsoft phải nhanh chóng đưa ra được kế hoạch C, sau khi thừa nhận công khai rằng Kế hoạch A (về việc tự mình làm lấy) đã thất bại, buộc hãng phải chuyển sang kế hoạch B là mua lại Yahoo (cũng thất bại nốt).

Còn gì để theo đuổi?

Thật khó cho giới phân tích khi phải dự đoán nước cờ tiếp theo của Microsoft sẽ là gì, bởi dường như những sách lược dễ thấy, hiển nhiên đều đã được áp dụng.

Đầu tiên là việc xây dựng nền tảng quảng cáo tìm kiếm riêng từ con số 0, và sau đó là chi tới 6 tỷ USD để thâu tóm hãng quảng cáo trực tuyến aQuantive.

Microsoft đã tích cực cải tổ, tân trang công nghệ tìm kiếm của mình, và hầu hết giới chuyên gia đều nhất trí rằng: ít nhất thì kết quả tìm kiếm cũng tốt ngang ngửa Google.

Gã khổng lồ phần mềm thậm chí đã chỉnh sửa thiết kế của dịch vụ Live Search, làm cho nó hao hao giống với giao diện đối thủ. Các tính năng cải tiến được liên tục quảng bá, chào hàng trên những tờ tạp chí hào nhoáng, danh tiếng.

Microsoft cũng tự tin không kém về việc thuyết phục hàng trăm triệu người dùng Hotmail, Xbox Live và Windows Live Messenger hiện tại chuyển sang sử dụng công cụ tìm kiếm Live Search của hãng - thay cho Google hay Yahoo Search.

"Chúng tôi đã rất nỗ lực để xây dựng nên một chiến lược rõ ràng và tập trung", ông Kevin Johnson, Giám đốc bộ phận dịch vụ trực tuyến của Microsoft tuyên bố.

Tháng 11 năm ngoái, chính ông này đã đề ra mục tiêu tham vọng của Microsoft là thâu tóm 30% thị phần tìm kiếm tại Mỹ.

Thông tin trái ngược

Nhưng có vẻ như Johnson đã lạc quan hơi sớm. Các nỗ lực của gã khổng lồ phần mềm dường như chưa mang lại nhiều hiệu quả, bằng cớ là thị phần của Microsoft vẫn kẹt dưới ngưỡng 10%, thua xa Yahoo (22%) và nhất là Google (58%).

Vì thế, Microsoft buộc phải phản ứng bằng cách ra giá mua lại Yahoo vào ngày 1/2/2008.

Thế nhưng dự định thâu tóm Yahoo đã không diễn ra êm xuôi, ngọt ngào như mong đợi của Steve Ballmer và các cộng sự.

Nhiều nhà phân tích cho rằng sau Yahoo, có thể Microsoft sẽ theo đuổi các mục tiêu khác, chẳng hạn như AOL, Salesforce.com, MySpace hoặc Facebook.

Nếu không, gã khổng lồ phần mềm sẽ phải chờ thêm vài tháng, khi kết quả kinh doanh của Yahoo không có bất cứ dấu hiệu khả quan và hồi phục nào, để ngỏ lời mua lại Yahoo lần nữa.

Bản thân các luồng thông tin cũng khá nhiễu loạn. Phát biểu tại Tokyo, Chủ tịch Bill Gates tuyên bố "Đã đến lúc Microsoft tập trung cho chiến lược độc lập của mình", và rằng hãng "sẽ không thâu tóm hay liên minh với bất cứ đối tác nào nữa".

Thế nhưng cũng trong ngày hôm ấy, tờ Wall Street Journal lại trích dẫn một nguồn tin mật cho hay Microsoft đang bí mật tán tỉnh Facebook, mạng xã hội ảo lớn thứ 2 thế giới hiện nay.

Hấp dẫn - nhưng chẳng ai biết!

Về phần mình, chỉ 2 ngày trước khi rút lại lời đề nghị mua Yahoo, Steve Ballmer đã vạch ra một kế hoạch 4 chương của Microsoft, nhằm "xây dựng một vị thế mới trên địa hạt tìm kiếm, quảng cáo trực tuyến, mạng xã hội ảo và truyền thông Internet".

Muốn vậy, trước hết Microsoft phải xuất phát từ nền móng cơ bản nhất: một cơ sở dữ liệu tìm kiếm khổng lồ, thân thiện với người dùng.

"Phải sáng tạo với tốc độ thần tốc để buộc Google phải chơi trò đuổi bắt. Phải thay đổi trải nghiệm nơi người dùng khi tìm kiếm và giao tiếp.

Cuối cùng, Microsoft bắt buộc phải mở rộng quy mô hơn nữa", Ballmer khẳng định với toàn thể nhân viên Microsoft.

Ông Danny Sullivan, Tổng biên tập website SearchEngineLand.com bình luận rằng dịch vụ Microsoft Live Search có khá nhiều tính năng mới mẻ, sáng tạo mà người dùng sẽ thấy thích thú.

Lấy thí dụ, các kết quả tìm kiếm hình ảnh sẽ lần lượt "mọc ra" trên màn hình khi người dùng cuộn (scroll) chuột, mà không cần phải click vào trang kết quả tiếp theo.

Ngay khi người dùng di chuột qua, các thumbnail (hình ảnh thu nhỏ) của kết quả tìm kiếm video sẽ tự động chạy mà không cần bất cứ thao tác nào khác.

Chưa hết, Microsoft cũng đã khai trương tính năng tìm kiếm chuyên ngành dành riêng cho thông tin y tế - sức khoẻ và những câu chuyện vui nhộn, "buôn dưa lê" về giới sao.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của Microsoft chính là định kiến. Suy cho cùng, đã có ai sử dụng Microsoft như một động từ chỉ việc tìm kiếm giống như Google hay chưa?

Vượt ra ngoài tìm kiếm

"Không một ai biết về những tính năng thú vị của Live Search cả. Nó là cái gì thế? Nhiều người thậm chí còn không biết đấy là sản phẩm của Microsoft", ông Sullivan cho biết.

Chính vì thế, lời khuyên mà Sullivan đưa ra cho Microsoft chính là hãy gỡ bỏ cái thương hiệu Live kia đi, và đổi lại thành Microsoft Search.

Không phải là Steve Ballmer không biết đến vấn đề này. Không ít lần, ông đã thừa nhận Microsoft cần mạnh tay đầu tư hơn cho việc tiếp thị thương hiệu.

"Phải làm sao để người dùng thay đổi thói quen tìm kiếm của họ, bởi vì Google vẫn đang làm rất tốt công việc của mình", Sullivan nhận định.

Thế mạnh của Microsoft trong lĩnh vực quảng cáo hình ảnh, những nỗ lực của hãng trên lĩnh vực tìm kiếm di động, công nghệ tìm kiếm bằng giọng nói Tellme mới được thâu tóm và nền tảng khách hàng trung thành của Xbox 360 có thể giúp Microsoft cải thiện đáng kể công việc kinh doanh trực tuyến của hãng.

"Không chỉ là tìm kiếm, Microsoft cần phải thay đổi cả cuộc chơi quảng cáo", chuyên gia Sarah Friar của Goldman Sachs bình luận.

Chuyên gia Charlene Li của Forrester Research cũng tin rằng Microsoft nên nhìn xa hơn lĩnh vực tìm kiếm.

"Họ có thể tập trung cho chiến lược điện toán đám mây của mình, hoặc thuyết phục giới quảng cáo sử dụng nền tảng Microsoft khi quảng cáo di động và hình ảnh".

(Theo AP, Reuters)

 

Google hy vọng hợp tác "dài lâu" với Yahoo

By Công Ty Truyền Thông Số iGO

Như muốn "xát muối" vào lòng Microsoft, các quan chức của Google hào hứng bày tỏ niềm hy vọng rằng gã khổng lồ tìm kiếm sẽ có thể "thiết lập quan hệ hợp tác quảng cáo bền vững" với Yahoo trong thời gian tới.

"Chúng tôi nhận thấy có rất nhiều lý do để hai bên bắt tay chặt hơn", Giám đốc điều hành Eric Schmidt của Google tuyên bố trong cuộc họp cổ đông thường niên.

"Thật phấn khích khi được làm việc chung với họ. Hai bên đã chia sẻ với nhau rất nhiều giá trị".

Tuy nhiên, mức độ đàm phán và hợp tác giữa hai bên đến đâu thì Schmidt không hề tiết lộ.

Schmidt cũng không quên nhắc lại kế hoạch tung ra các sản phẩm mới trên YouTube để "tích cực kiếm tiền từ website chia sẻ video số một thế giới hiện nay".

Trong mắt Google, việc khai thác YouTube chính là mối ưu tiên đầu bảng của năm 2008. Tuy nhiên, hãng vẫn chưa công bố cụ thể các sản phẩm mới là gì và thời điểm ra mắt là khi nào.

Đến phiên mình, đồng sáng lập Sergey Brin cho biết YouTube và DoubleClick vẫn là "những doanh nghiệp nhỏ" nếu đem so với hoạt động kinh doanh quảng cáo và tìm kiếm của Google hiện nay.

Google đã chính thức thâu tóm Double Click, hãng quảng cáo trực tuyến hàng đầu hiện nay, sau khi bỏ ra số tiền 3,1 tỷ USD. Trước đó, YouTube về tay Google từ tháng 10/2006 trong một thương vụ trị giá 1,6 tỷ USD.

"Cả hai đều có tiềm năng lớn, nhưng nếu muốn chúng chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng doanh thu của hãng, các bạn sẽ phải chờ ít nhất là 1,2 năm nữa", Brin cho biết.

"Vở kịch 3 vai"

Có thể nói, Google đã giữ vai trò quyết định trong thương vụ lằng nhằng giữa Microsoft và Yahoo. Chính vì muốn thu hẹp khoảng cách với Google mà Microsoft mới quyết tâm mua Yahoo bằng được.

Cũng chính chương trình thử nghiệm kéo dài 2 tuần giữa Yahoo với Google đã khiến Microsoft bực tức và phản đối quyết liệt. Theo chương trình này, Google sẽ bán quảng cáo tìm kiếm trên 3% diện tích trang web của Yahoo.

Schmidt nói rằng kết quả của cuộc thử nghiệm "đủ tốt để khích lệ hai bên tiếp tục đàm phán về khả năng hợp tác", dù hiện tại chưa có bất cứ bản hợp đồng nào được ký kết.

Giới phân tích đều dự đoán một liên minh dài hạn Google-hoo khó trở thành hiện thực, bởi nó sẽ vướng vào các rào cản chống độc quyền của luật pháp Mỹ.

Google hiện là hãng thống trị thị trường tìm kiếm của Mỹ với hơn 60% thị phần. Yahoo đứng ở vị trí Á quân với 22% thị phần. Cùng với nhau, hai hãng sẽ kiểm soát xấp xỉ 80% thị phần - đủ để chèn ép tất cả các đối thủ "tí hon" khác và tạo ra vị thế lũng đoạn.

Giám đốc điều hành Steve Ballmer của Microsoft thì cảnh báo Yahoo rằng việc "giao phó toàn bộ hoạt động quảng cáo cho Google" chỉ là một hành động tham bát bỏ mâm, vì cái lợi trước mắt mà đánh mất lợi ích lâu dài.

Google cũng chẳng vừa khi cáo buộc chính liên minh Microhoo mới làm tổn hại đến "khả năng sáng tạo và các nền tảng căn bản của mạng Internet", khiến cho người dùng email, IM và nhiều dịch vụ khác bị giới hạn sự lựa chọn.

Vươn ra quốc tế

Cả Schmidt lẫn Brin đều khẳng định Google sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn ở các thị trường bên ngoài nước Mỹ trong năm 2008.

Trong quý I/2008, 51% doanh thu mà Google kiếm được là từ thị trường quốc tế, và Schmidt dự đoán con số này sẽ còn tăng tiếp trong thời gian tới.

"Có thể là 65% hoặc thậm chí hơn nữa", Schmidt lạc quan.

Không nghi ngờ gì nữa, Schmidt tỏ ra rất vui sướng và hài lòng khi Google đã phá vỡ được thương vụ đình đám Micro-hoo. Không chút giấu diếm, Schmidt nói rằng ông "muốn lôi Yahoo ra khỏi gọng kìm của Microsoft".

" Hiển nhiên, tôi rất vui vì chuyện đó đã không xảy ra". Ngược lại, quan hệ hiện tại giữa Google với Yahoo được Schmidt mô tả là "rất, rất thân thiện".

Tuỳ thuộc vào mức độ sâu sắc của sự hợp tác với Yahoo, hệ thống quảng cáo của Google có thể tăng gần gấp đôi lợi nhuận trong năm 2009, chuyên gia Benjamin Shachter của UBS dự đoán.

Mặc dù vậy, có vẻ như các cổ đông của Google không quan tâm lắm đến khả năng hợp tác với Yahoo.

(Theo AP, Reuters)

 

Quảng cáo

Nuoc hoa - Mua ban perfume nhà cung cấp nước hoa, mỹ phẩm chính hiệu giá sỉ. Đảm bảo nước hoa thật 100%.

Nuoc hoa nam | Nuoc hoa nu | My pham | Nuoc hoa gia re

Thiết Kế Website

Quảng Bá Website

Quản Trị Website

Công Ty Truyền Thông Số iGO

Câu Chuyện Doanh Nhân

Thị Trường Chứng Khoán

Khách Thăm Trong Ngày